Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho biết, sẽ chưa áp dụng bắt buộc tiêu chuẩn cà phê mới (TCVN 4193-2005) từ niên vụ 2007-2008...
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lương Lê Phương cho biết, sẽ chưa áp dụng bắt buộc tiêu chuẩn cà phê mới (TCVN 4193-2005) từ niên vụ 2007-2008. Bộ khuyến khích 10 DN xuất khẩu cà phê hàng đầu tham gia áp dụng trước và xây dựng các mô hình điểm về trồng, thu hái cà phê đạt tiêu chuẩn mới.
Sẽ gây sốc cho DN
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ NN-PTNT với đại diện Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (VICOFA), các cục chuyên ngành của Bộ NN-PTNT như Trồng trọt, Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối, KHCN, Pháp chế... của Bộ vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Lương Lê Phương cho rằng, rào cản áp dụng tiêu chuẩn mới cho cà phê chính là tập quán canh tác vốn lạc hậu, kéo dài nhiều năm qua của bà con cũng như tâm lý ngại thay đổi, nắm bắt cái mới của DN.
"Chính vì vậy khi ra quyết định về áp dụng TCVN 4193-2005 đã gây sốc cho DN và bà con nông dân", Thứ trưởng Phương thừa nhận.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối, thẳng thắn nói, các Bộ ban hành quyết định về áp dụng tiêu chuẩn mới mà không hề có hướng dẫn. Trong khi đó, nếu triển khai ngay từ niên vụ cà phê này (2007-2008) thì phải làm từ đầu năm, ngay khi bắt đầu vụ để người trồng cà phê thực hiện.
"Giờ bà con đã thu hoạch cà phê rồi, các DN cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu mới 200.000 tấn cà phê", ông Trịnh Khắc Quang, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN của Bộ, nói.
Là đơn vị được giao nhiệm vụ soạn thảo lộ trình áp dụng TCVN 4193-2005, ngay Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phan Huy Thông cũng khẳng định, việc áp dụng bắt buộc kiểm tra chất lượng cà phê xuất khẩu theo tiêu chuẩn mới trước khi thông quan ngay tại niên vụ 2007-2008 là không khả thi. Việc áp dụng tiêu chuẩn chỉ là tự nguyện. Trong khi đó, đến thời điểm này, chưa có một văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền ban hành việc áp dụng toàn bộ hoặc một số chỉ tiêu của TCVN 4193-2005 đối với cà phê xuất khẩu.
Hơn nữa, chính mặt hàng cà phê nhân xuất khẩu cũng chưa nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra chất lượng, mà việc này phải do Bộ KHCN trình lên để Thủ tướng CP bổ sung Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá và Nghị định 179/2006/NĐ-CP. Đó là chưa kể, Bộ này vẫn đang rà soát lại TCVN 4193-2005 cho phù hợp với tiêu chuẩn cà phê nhân quốc tế ISO 10470. Một số chỉ tiêu trong tiêu chuẩn mới còn thay đổi.
Rõ ràng, về mặt pháp lý, chưa đủ điều kiện để áp dụng TCVN 4193-2005 ngay từ niên vụ cà phê này. Còn trên thực tế, tuy tiêu chuẩn này đã ban hành từ năm 2005, song nay mới có 10% số DN cà phê trong nước áp dụng cho 1-2% lượng cà phê xuất khẩu. Tiêu chuẩn mới ban ra hầu như chỉ để đó. Việc truyền đạt tiêu chuẩn mới đến người dân không đến nơi đến chốn, xong rồi bỏ đó, chẳng thấy triển khai mà có triển khai cũng chỉ lẻ tẻ, không hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch VICOFA Đoàn Triệu Nhạn, tiêu chuẩn mới khó áp dụng khi chưa có sức mạnh hỗ trợ của Nhà nước, nhận thức của cộng đồng DN và người dân. Một số DN còn không hề muốn áp dụng.
Chưa kể, việc các nhà nhập khẩu vẫn chấp thuận cà phê dựa theo cách phân loại cũ của Việt Nam cũng là điều cản trở DN và người dân triển khai TCVN 4193-2005. "Nếu đồng loạt áp dụng kiểm tra chất lượng cà phê theo tiêu chuẩn mới cho niên vụ 2007-2008 sẽ làm đảo lộn kế hoạch xuất khẩu cà phê, đặc biệt với các hợp đồng đã ký", ông Thông nhấn mạnh.
Mặt khác, chính Bộ Công thương - cơ quan ra văn bản yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn cà phê mới từ tháng 10-2007 - mới đây nhất, trong văn bản gửi Thủ tướng CP đề xuất các giải pháp đẩy manh xuất khẩu cuối năm, lại kiến nghị chưa triển khai ngay kiểm tra bắt buộc các lô hàng cà phê theo TCVN 4193-2005 từ niên vụ này do lo ngại sẽ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu.
Vẫn triển khai ngay một số chỉ tiêu mới
Trong Quy chuẩn kỹ thuật về cà phê xuất khẩu Việt Nam, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết sẽ đưa ra lộ trình cụ thể về việc áp dụng.
Trước khi chính thức ban hành, dự thảo quy chuẩn sẽ được gửi về các địa phương, VICOFA và DN, các tổ chức quốc tế và DN nhập khẩu... để xin ý kiến.
Quy chuẩn này sẽ nêu rõ nhiệm vụ của địa phương trong việc rà soát diện tích cà phê hiện có, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật trồng trọt, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và kiểm soát người dân thực hiện.
Ông Đoàn Triệu Nhạn cho biết, hiện cả nước có khoảng 140 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Có một sự khác biệt rõ rệt giữa một bên là các DN lớn, đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại và một bên là các DN nhỏ, xuất khẩu có khi chỉ được 1 container/năm. Ngược lại, 10 DN lớn hàng đầu lại chiếm tới 60-70% lượng cà phê xuất khẩu của cả nước, với số lượng lớn lên tới 180.000-200.000 tấn/năm.
"Chỉ cần 10 DN xuất khẩu cà phê lớn nhất đứng ra áp dụng tiêu chuẩn mới đã là rất tốt", ông Nhạn nhận xét. Ông giải thích, ở các DN lớn có thương hiệu nổi tiếng như Vinacafe, cà phê Biên Hòa, cà phê Trung Nguyên hay Intimex, trang thiết bị đến nay hoàn toàn đủ điều kiện để triển khai TCVN 4193-2005.
Thời gian tới, Bộ NN-PTNT cùng VICOFA sẽ tổ chức cuộc họp mời lãnh đạo UBND một số địa phương, các DN này để khuyến khích họ tham gia. Thứ trưởng Lương Lê Phương nói rằng sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các DN này nếu áp dụng theo tiêu chuẩn mới (riêng số tiền mất đi do cà phê Việt Nam bị loại thải khi xuất khẩu đã lên tới 100 triệu USD, con số từ VICOFA).
Trước mắt, sẽ áp dụng một số chỉ tiêu mới ngay như độ ẩm (dưới 12,5% và tiến tới 12% theo ISO 10470); tạp chất (còn 0,1-0,5% thay vì 0,5-1% như hiện nay); hạt mốc (dưới 5 hạt); tỷ lệ hạt xanh (dưới 10% số hạt dưới sàng 12)... Theo cách tính lỗi, đảm bảo số lỗi giảm còn dưới 250. Đại diện VICOFA, các cục chuyên ngành của Bộ NN-PTNT đều nhận xét, triển khai áp dụng một số chỉ tiêu trên sẽ không khó vì các DN lớn thừa đủ điều kiện thực hiện.
Riêng DN xuất khẩu cà phê chưa đạt các chỉ tiêu trên, ông Đoàn Xuân Hòa kiến nghị, cần công bố đích danh tên công ty trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có số lỗi quá lớn, cà phê của các DN này không được thông quan mà buộc phải tái chế lại làm cà phê hòa tan, cà phê rang xay để tiêu thụ trong nước.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cách trồng trọt, thu hái của bà con nông dân. Thứ trưởng Lương Lê Phương yêu cầu VICOFA, các cơ quan liên quan triển khai ngay các mô hình điểm về trồng và thu hoạch cà phê theo tiêu chuẩn mới.
Các mô hình, tổ đội hợp tác hiện đã có ở 5 điểm trình diễn về phát triển cà phê bền vững (do VICOFA triển khai ở một số địa phương như Sơn La, Quảng Trị, Đăk Lăk...) cần sớm được nhân rộng. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, chi phí khuyến nông, cần xã hội hoá nguồn lực đầu tư cho các vùng cà phê bằng cách huy động cộng đồng DN, nông dân cùng tham gia.
Thứ trưởng Phương kết luận, sẽ điều chỉnh lại hoặc bãi bỏ Điều 2 Quyết định 86/QĐ-BNN ngày 15-10-2007 về việc áp dụng bắt buộc TCVN 4193-2005 ngay từ niên vụ 2007-2008. Trước mắt, Bộ khuyến khích các DN triển khai một số chỉ tiêu mới về chất lượng cà phê ngay từ niên vụ này.
Song song đó, Thứ trưởng giao Vụ KHCN chủ trì, phối hợp với Cục Trồng trọt, Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối, Pháp chế, VICOFA... xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật về cà phê xuất khẩu Việt Nam, trong vòng 1 năm. Sau khi xin ý kiến các bên liên quan, đến đầu năm 2009 sẽ áp dụng bắt buộc. Ngoài ra, đề án về chế biến và nâng cao chất lượng cà phê cũng cần triển khai ngay (Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối đã tiến hành, song do thiếu kinh phí nên còn dở dang).
Theo VietNamNet