04:07, 12/07/2004

Xuyên Việt bằng đường biển

Một chuyến du lịch bằng tàu biển theo đường cong chữ S, khám phá toàn bộ những bờ biển đẹp nhất đất nước, tại sao không?

 

Hành trình dọc theo chiều dài bờ biển đất nước...

Một chuyến du lịch bằng tàu biển theo đường cong chữ S, khám phá toàn bộ những bờ biển đẹp nhất đất nước, tại sao không?

Cuối tháng bảy, sản phẩm du lịch được mong chờ nhất của du khách trong nước lẫn nước ngoài khi đến Việt Nam, sẽ không chỉ còn nằm trong ý tưởng mà lần đầu tiên được thực hiện…

Tàu Calypso

Ông Ðặng Hạo, giám đốc công ty Mekong, cười cười: "Việt Nam của mình đẹp nhất là 2.500 cây số bờ biển. Muốn biết Việt Nam hình chữ S như thế nào thì phải đi chuyến này". Một đoàn khách đầu tiên sẽ cùng con tàu mang tên Calypso của công ty thực hiện chuyến hải hành từ TP .Hồ Chí Minh (HCM) ra đến Hải Phòng.

Hành trình dọc theo chiều dài bờ biển đất nước của tàu Calypso dự kiến sẽ có các điểm dừng là những bờ biển nổi tiếng của đất nước như Mũi Né, Nha Trang, Hội An, Quảng Nam, Huế, Vinh, Hải Phòng…

Chương trình sẽ không cứng nhắc theo thời gian biểu định trước mà linh hoạt theo nhu cầu du khách. Khách có thể có yêu cầu dừng lại đủ lâu để thưởng thức trọn vẹn một bờ biển, có thể dự những chuyến lặn biển ngắm san hô, chơi các môn thể thao trên biển, lưới cá, câu cá hay thẻ mực…

Calypso dài 22m, được đóng toàn bằng gỗ, mức phục vụ giới hạn ở 20 khách. Các dịch vụ ăn, ngủ được thực hiện trọn gói trên tàu. Như các tàu du lịch khác của công ty, các hoạt động vui chơi, văn nghệ “truyền thống” hay “hiện đại” theo yêu cầu cũng sẽ được đáp ứng một cách đầy đủ. Trong những chuyến hành trình ven biển, tàu chạy cách bờ khoảng 12 hải lý, tốc độ trung bình 11 – 12 hải lý giờ.

Ông Hạo nói: "Nhiều người cũng có ý tưởng tổ chức các tour du lịch xuyên Việt bằng đường biển, nhưng để thực hiện thì không phải dễ”. Chỉ các công việc chuẩn bị như khảo sát tuyến, đăng kiểm tàu… đã mất gần 8 tháng trời.

Khai thác thế mạnh sông nước 

"Xứ mình là xứ sông nước, không khai thác du lịch đường sông, đường biển là uổng vô cùng", ông Hạo nói. Là một Việt kiều từng có nhiều năm làm ở một công ty du lịch chuyên đưa khách Mỹ du lịch châu Á, ông nhận thấy các sản phẩm du lịch của Việt Nam đơn điệu đến mức nhàm chán. Phát hiện thế mạnh du lịch sông nước của đất nước, ông bắt đầu đầu tư khai thác từ 5 – 6 năm qua. 

Theo ông, có đến 90% du khách nước ngoài đến TP.HCM là được đưa xuống Củ Chi thăm địa đạo, nhưng đi bằng đường bộ thì "chỉ xuống vòng vòng khu Bến Dược, tham quan địa đạo, có ông to quá không chui được xuống, quay về, và thế là hết một ngày…”.  

ng là tour đi Củ Chi, nhưng nếu đi bằng đường thuỷ khách rất thích: hành trình đường thủy có các điểm dừng tại Miếu Nổi, làng gốm, làng sơn mài, vườn trái cây Lái Thiêu ven sông… "Những cái được hưởng trước đến Củ Chi khách thích hơn là Củ Chi. Qua tới địa phận Bình Dương là một cảnh bèo dạt mây trôi hoang sơ tuyệt đẹp”.

Có những vị khách yêu cầu thuyền tắt máy, thả trôi trên dòng sông để thưởng thức trọn vẹn không khí của một đêm trên sông. Họ chỉ yêu cầu một ngọn đèn bão, một chai rượu và ít thức nhắm, rồi ngồi lặng hàng buổi, thậm chí còn yêu cầu thuyền trưởng tắt cả máy điện thoại di động. 

Cố gắng của ông Hạo là đa dạng hoá các sản phẩm du lịch sông nước. Bước thử nghiệm với con tàu Calypso, nếu thành công, có thể đưa ông đến các việc thử nghiệm các tour câu cá xa bờ như tour câu cá ngừ đại dương… Một con đường biển du lịch Thái Lan qua ngõ Phú Quốc cũng nằm trong dự kiến của ông.  

"Du lịch sông nước Việt Nam còn có quá nhiều cái hay để mà khai thác", ông Hạo nói… 

Theo Sài Gòn tiếp th