Ở Nhật hiện có rất nhiều quán ăn Việt Nam, chỉ riêng Tokyo đã lên đến trên dưới 10 quán. Nhiều người Nhật muốn khám phá nền văn hóa lâu đời của Việt Nam qua ẩm thực và phong cách Việt...
Tầng 2 nhà hàng Hoa Hoa, với các món ăn Việt Nam được khách Nhật ưa chuộng. |
Ở Nhật hiện có rất nhiều quán ăn Việt Nam, chỉ riêng Tokyo đã lên đến trên dưới 10 quán. Nhiều người Nhật muốn khám phá nền văn hóa lâu đời của Việt Nam qua ẩm thực và phong cách Việt.
Trước tiên phải kể đến nhà hàng Hoa Hoa khá nổi tiếng với món gỏi đu đủ, gỏi ngó sen, mực dồn thịt và tất nhiên không thể thiếu món đặc thù Việt Nam là chả giò. Hoa Hoa có 2 tầng, mỗi tầng có khoảng 5-7 bàn. Ở vùng đất đai có giá quá cao như Tokyo, quy mô của Hoa Hoa là đáng kể. Giá bán ở Hoa Hoa được thực khách Nhật chấp nhận. Nếu một gia đình vào đây ăn, giá trung bình mỗi người khoảng 600.000 đồng Việt Nam.
Có một quán ăn Việt Nam được mang tên của một bộ phim đã ít nhiều gây được tiếng vang do một người Việt ở nước ngoài sản xuất là Đu Đủ Xanh. Ở Tokyo còn có Japanes & Vietnam Restaurant Kitchen. Nhà hàng này khai thác các món ăn của miền Bắc Việt Nam. Trong đó khá nổi tiếng với món phở. Mỗi tô phở ở đây giá khoảng 120.000 đồng Việt Nam.
Xa hơn tận Kobe có quán “Soup” chuyên các món ăn Việt như, phở, chả giò, gỏi cuốn, cà ri, các món canh và món mặn của Việt Nam. Đặc biệt, người Nhật rất thích món khoai mỡ của quán này.
Người Nhật học tiếng Việt, mở quán Việt
Ở Việt Nam, nhà hàng Nhật chủ yếu bán cho người Nhật, quán Korea chủ yếu dành cho người Hàn Quốc. Còn ở Nhật, khách của nhà hàng Việt Nam chủ yếu là người Nhật. Tuy đối tượng là người Nhật, nhưng hầu hết các nhà hàng Việt Nam trên đất Nhật đều mang rất rõ phong cách Việt.
Trước tiên, một loại nước chấm đặc thù của Việt Nam là nước mắm ở tất cả các quán đều được mua từ Việt Nam. Rượu thì phần lớn được nhập từ Việt Nam như lúa mới, nếp mới, vang Đà Lạt. Giá bán vang Đà Lạt ở Nhật từ 90.000 đồng đến khoảng 120.000 đồng mỗi chai tùy theo quán. Tranh ảnh trưng bày trong các nhà hàng Việt Nam đều từ Việt Nam hoặc có nội dung về Việt Nam.
Nhiều nhà hàng còn viết cả những câu thơ Việt Nam bằng tiếng Việt còn nhiều lỗi chính tả lên tường như Kitchen. Hầu hết các nhà hàng Việt Nam đều sử dụng chén đĩa mua từ Việt Nam, trong đó nhiều nhất vẫn là gốm Bát Tràng.
Nhưng điều đặc biệt là hầu hết các quán ăn Việt Nam người phụ trách đều nói được tiếng Việt. Masumi bỏ vốn mở Kitchen đã mất hai năm học tiếng Việt ở Hà Nội. Đó là lý do vì sao Kitchen chuyên các món ăn miền Bắc. Hay cô Tsuno Mari đã quá thân thiện với người dân ở khu Tây ba lô – Phạm Ngũ Lão. Mari đã đến Việt Nam từ năm 1996, tổng thời gian mà Mari ở Việt Nam từ đó đến nay khoảng 3 năm. Mari được Nhà Văn hóa Phụ nữ Tp.Hồ Chí Minh (HCM) cấp bằng về nấu ăn.
Còn Ito Shinobu nói tiếng Việt khá giỏi, đang có dự định mở quán Việt Nam trên đất Nhật. Cô đã từng làm việc ở nhà hàng La fenêtre Soleil trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Tại nhà hàng này Shinobu đã mở các lớp dạy nấu món Việt cấp tốc cho người Nhật đến du lịch ở TP.HCM. Chi phí học 4 món Việt cho một người Nhật khoảng 50 USD.
Hiện nay, Shinobu đang quay lại Việt Nam thu thập thêm tư liệu thực hiện chuyên đề món ăn Việt Nam thực hiện một tạp chí của Nhật sắp phát hành.
Thực phẩm Việt Nam được sản xuất công nghiệp trên đất Nhật
Không chỉ các quán ăn Việt Nam mà gần đây một số sản phẩm ăn uống của Việt Nam đã được sản xuất công nghiệp trên đất Nhật. Trước tiên phải kể đến món ăn của Việt Nam khá nổi tiếng với người Nhật là phở. Phở ăn liền Việt Nam đã được các doanh nghiệp Nhật sản xuất theo công nghệ của mì ăn liền. Ngay người Trung Quốc cũng tham gia vào khai thác phở Việt Nam.
Sau nhiều lần đi lại Việt Nam, người Nhật rất thích thức uống Việt Nam được gọi là sinh tố. Hiện nay, vào các siêu thị ở Nhật, bên cạnh các loại thức uống mang thương hiệu Nhật còn có một sản phẩm duy nhất mang tiếng Việt (chứ không viết bằng tiếng Nhật) là “sinh tố”. Một hộp “sinh tố” giá khoảng 30.000 đồng Việt Nam. Sản phẩm này do doanh nghiệp Nhật sản xuất với quy mô công nghiệp.
Theo Người Lao Động