Ngành công nghiệp đã xuất hiện một nhân tố đang tạo thành đối trọng để kìm giữ và giảm giá sản phẩm. Đó là khối công nghiệp dân doanh...
6 tháng qua, hai khối doanh nghiệp chủ lực của ngành công nghiệp là nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tăng trên 14%. Tuy nhiên, ngành công nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 15,4% (vượt kế hoạch 0,4%). Tại sao vậy? Chính nhờ khối công nghiệp dân doanh đã bứt lên, tạo khởi sắc cho ngành. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp dân doanh trong 6 tháng qua đạt tới 21,8%, mang lại giá trị sản xuất tương ứng là 47.374 tỷ đồng. Trong khi, khối doanh nghiệp nhà nước Trung ương chỉ mang lại giá trị 44.435 tỷ đồng.
Chính điều này đã khiến lần đầu tiên tỷ trọng của khối dân doanh vượt qua khối công nghiệp nhà nước Trung ương. Ở những địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, tỷ trọng của khối dân doanh chiếm khá cao như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Hải Phòng... Tuy ngành gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua, nhưng theo Bộ Công nghiệp nhờ sự năng động của khối dân doanh, đã góp phần đáng kể vào việc chặn đà suy giảm và đạt mức tăng trưởng khá.
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt may Việt Nam cho biết, Trung Quốc vừa giảm 20% giá chào bán hàng dệt may xuất khẩu của nước này trong 6 tháng cuối năm. Đây sẽ lại là một thách thức lớn đối với mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Thế nhưng, ông Ân vẫn lạc quan rằng kim ngạch xuất khẩu dệt may vẫn có thể đạt 7 - 8 tỷ USD trong những năm tới. Dệt may là một trong những ngành có lượng dân doanh tham gia khá đông. Sự năng động của khối này sẽ làm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường nội địa, mở rộng xuất khẩu.
Đối với ngành điện, theo Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, một trong những mục đích của việc yêu cầu đơn vị thành viên phải đấu giá phát điện là để các đơn vị này phải giảm chi phí, giảm giá bán điện nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân trong năm tới. Sự tham gia ngày càng sâu rộng của tư nhân trong lĩnh vực sản xuất điện (hiện khoảng 10% và sẽ lên 30% trong vài năm tới) sẽ khiến giá điện chỉ hạ chứ không tăng. 30 doanh nghiệp tư nhân trong nước vừa nộp đơn đăng ký đầu tư sản xuất ô tô. Trong đó, có một số doanh nghiệp đầu tư từ 10 đến 15 triệu USD sản xuất ô tô, như doanh nghiệp Trường Hải đang mạnh dạn đầu tư tới 60 tỷ đồng sản xuất ô tô có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%.
Thực tiễn sản xuất thời gian qua cho thấy, lĩnh vực sản xuất công nghiệp nào thu hút được khối dân doanh tham gia sản xuất càng nhiều thì sản phẩm càng phong phú, giá cả cạnh tranh. Điện tử, tin học, sữa, bia, phân vi sinh, giày, dép... là những ví dụ. Vì thế, một mặt Chính phủ đang yêu cầu cho tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa trong một số lĩnh vực xưa nay được coi là độc quyền. Mặt khác, Thủ tướng vừa ký ban hành nghị định khuyến khích phát triển mọi thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp dân doanh đầu tư phát triển công nghiệp ở nông thôn.
Theo Sài Giải Phóng