04:10, 11/10/2015

Yamaha R3 - nét cá tính cho người Việt trẻ

Mẫu sportbike 321 phân khối thoải mái trong phố đông nhưng sẵn sàng trở thành ngựa chiến trên đường trường.
 

Mẫu sportbike 321 phân khối thoải mái trong phố đông nhưng sẵn sàng trở thành ngựa chiến trên đường trường.
 
Đầu 2014, khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành thông tư 38 quyết định mở rộng đối tượng cấp bằng lái A2 như với A1 thông thường, người chơi xe Việt Nam hồ hởi đón nhận. Nhưng bên cạnh đó, phần đông tỏ ra lo ngại vì thực tế, nếu lấy được bằng, cũng chưa biết mua xe nào để chạy. Bởi lẽ khi đó, những mẫu xe trên 175 phân khối đưa về nước đều thông qua nhà kinh doanh nhập khẩu, mức giá cao hơn nhiều so với thu nhập.
 
Khả năng tiếp cận dần mở rộng khi những cửa hàng kinh doanh đưa thêm xe nhập về nước, tuy nhiên mức giá khoảng 200 triệu cho một chiếc xe 300 phân khối như Kawasaki Ninja 300 vẫn còn khá cao, những xe rẻ hơn lại chịu ảnh hưởng của nguồn gốc Trung Quốc, Đài Loan. Trong bối cảnh này, Yamaha giới thiệu sportbike R3 với mức giá chỉ 150 triệu cho mẫu xe 321 phân khối khiến khách hàng tò mò, nóng lòng khám phá.
 
R3 nối tiếp truyền thống tiên phong mà Yamaha từng có với Exciter và FZ150i tại thị trường Việt. Mang DNA thể thao của những đàn anh R1, R6 và thậm chí người em nhỏ nhưng ra đời trước R15, R3 thuận lợi sử dụng con đường các tiền bối mở sẵn để tiếp cận khách hàng, mà không cần nhọc công khai phá. 
 
So sánh R3 với R15 là khập khiễng, nhưng nếu từng đi xung quanh một chiếc R15 sau đó nhìn tới R3, sẽ thấy sự khác biệt, tiến bộ trong thiết kế. Cặp đèn và kính chắn gió tạo cho đầu trước vẻ gọn gàng mô phỏng phong cách MotoGP. Đồ gù của bình xăng cũng như khoảng cách từ bình xăng tới tay lái, mặt đồng hồ, kính chắn gió cân đối hơn, không còn xa xôi, rời rạc như trên R15. 
 
Những chi tiết khác trên cách tạo hình sportbike đều theo phong cách sắc sảo, thể thao, tạo nên tổng hòa mạnh mẽ ở vẻ ngoài, đồng thời đem tới sự gọn gàng cần thiết khi vận hành. Tuy nhiên vẫn tồn tại điểm trừ trong thiết kế như ống xả hơi to, thô và những phần bằng nhựa chưa thực sự sắc nét. 
 
R3 là mẫu xe tạo ra cho nhiều thị trường có cả châu Âu và châu Á, nên bố trí hình học hợp lý cho cả người Việt. Nam giới chỉ cần chiều cao khoảng 1,65 m là có thể tự tin ôm xe, bởi lẽ chiều cao yên chỉ ở mức 780 mm, tức tương đương chiếc xe ga Yamaha Grande. Còn với những người có chiều cao khoảng 1,75 m trở lên thậm chí còn thừa chân khi chống cả hai chân xuống đất, cảm giác xe lọt trong lòng, vừa phải.
 
Trên mặt trước xe có dán tem 320 ám chỉ dung tích động cơ, cụ thể cỗ máy xi-lanh đôi 4 van, làm mát bằng dung dịch, dung tích 321 phân khối. Tỷ số nén 11,2:1. Công suất tối đa 41,5 mã lực tại 10.750 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 29,6 Nm tại 9.000 vòng/phút. Hộp số 6 cấp.
 
Bảng đồng hồ hiển thị của R3 tương tự như R15 với đầy đủ thông tin, kết hợp analog và điện tử. Những ký tự nhảy tanh tách vui nhộn khi bật chìa khóa bao giờ cũng làm người lái thêm hưng phấn xen lẫn tò mò, nhưng lập tức cảm xúc được cân bằng khi tiếng ống xả phát ra khá nhỏ, đều đều, trầm trầm mà đứng trong đám đông xe cộ thậm chí không thể phát hiện ra. Cách tạo lập này không có gì lạ với xe "zin", ngay cả trên những sportbike 600 hay 1.000 phân khối, vì cần đáp ứng các yêu cầu về tiếng ồn và khí thải của cơ quan kiểm định. 
 
Không cần nhiều thời gian để quan sát kỹ bảng đồng hồ hay đứng thưởng thức tiếng ống xả, R3 nên được xuống đường ngay để thể hiện. Trọng lượng nhẹ 169 kg cùng khoảng sáng gầm 160 mm giúp xe dễ dàng lăn qua gờ tường, lao từ vỉa hè xuống đường, hòa vào dòng xe cộ. 
 
Ở tốc độ thấp lừ đừ trong đường phố đông đúc Hà Nội, chân trái chỉ được một lần dập và một lần gẩy cần số, tức chỉ lên tới số 2 để xe tiến với tốc độ khoảng 30 km/h mà không muốn cảm giác ì gằn dưới yên. Ưu điểm mà một mẫu xe 300 phân khối mang lại cho thành thị phát huy ngay, đó là không phải mỏi tay gồng mình khổ sở vì điều côn liên tục qua đường tắc, có chăng chỉ mạnh bạo hơn đôi chút so với Exciter 150 và R15. 
 
Nhưng sự khác biệt nằm ở dải tốc độ cao. Dù đã dặn kỹ "ôm lấy anh", nhưng cô bạn gái mới quen ngồi sau vẫn giật mình như muốn ngã ngửa, khi giật ga lao nhanh qua đoạn đường tắc, không một chút trễ ga. Chắc còn ngại ngùng, nên cô chỉ dám nắm hờ vạt áo, may là chưa phải xoắn ga trên đường cao tốc. Liệu đây đã phải là tất cả những gì gặp phải, cho cô gái lần đầu ngồi trên một chiếc sportbike?
 
Mải mê chuyện trò, giới thiệu về chiếc xe mới để lấy oai, chạy vòng vòng đã ra khỏi thành phố, cuộc chinh phục bắt đầu. 
 
"Giờ anh chạy nhanh lắm đấy, ôm chặt vào nhá không lại như khi nãy".
 
"Vâng, không sao đâu". Cô nàng này có vẻ khó tính, khi vẫn chỉ nắm hờ. 
 
Mặc kệ, việc ai nấy làm. Kéo dài vòng ga nhưng từ từ, xe lên 60 km/h ở cấp số 2, vòng tua vượt qua 7.000 vòng/phút. Thả tay ga, xe gằn lên và nhanh chóng hãm tốc. Làm lại lần nữa, lần này kéo ga nhanh hơn, xe bắt đầu giật lên, cô bạn hơi giật mình, nhưng còn kiểm soát được, tay vẫn nắm hờ. 
 
Lần tới nữa, lần này làm thật, giật tay ga thật nhanh, nhưng vòng ga không quá dài, xe chồm lên, nàng túm chặt áo. Tới con đường cách ly, không nói gì nữa, cúi người về trước, kéo kính mũ bảo hiểm che kín mặt, tay xoắn ga thật nhanh, chân gảy số, không biết từ bao giờ đã thấy nàng ôm chặt, cúi đầu sát lưng. 
 
Lên tới số 4, ngẩng đầu nhìn đã thấy báo 120 km/h, vòng tua qua 9.000 vòng/phút. Gẩy thêm số nữa, lên 5, áp sát núp gió, đồng hồ tanh tách thay đổi liên tục, đã tới con số 140 km/h, tay ga còn dư, số 6 còn chưa có cơ hội sử dụng. Gặp đường cua trước mặt, phanh kết hợp dồn số, xe gầm lên rồi về dải tốc độ 50 km/h, ôm gọn cua mềm mại. Nếu đi một mình, có lẽ sẽ tìm một nơi đường dài hơn, để có thể kéo hết vòng ga, chân lên hết số. 
 
Nhưng với người bạn mới quen, khi xe đã dừng, vẫn ôm chặt. Sau đó, là một loạt những cảm xúc được miêu tả, choáng váng đầu óc vì gió tạt, quá nhanh không dám mở mắt. Nhưng khi được hỏi em có muốn chạy như thế nữa không, thì:
 
"Có ạ, thích mà".
Theo vnexpress