"Bài giảng điện tử (E-Learning) môn Điện tử số" là đề tài do nhóm tác giả Trường Sĩ quan Thông tin thực hiện, vừa đạt giải nhất hội thi Tuổi trẻ sáng tạo Binh chủng Thông tin liên lạc.
“Bài giảng điện tử (E-Learning) môn Điện tử số” là đề tài do nhóm tác giả Trường Sĩ quan Thông tin thực hiện, vừa đạt giải nhất hội thi Tuổi trẻ sáng tạo Binh chủng Thông tin liên lạc.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Cao - Trưởng nhóm nghiên cứu, đề tài được thực hiện nhằm tạo ra nguồn dữ liệu phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu phong phú, hiệu quả trên nền tảng công nghệ thông tin và dữ liệu lớn, thống nhất về hình thức, phương pháp, kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo đối với nhà trường và các trường trong quân đội. Nhóm nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu các bài giảng về môn Điện tử số; nghiên cứu phương pháp xây dựng bài giảng hiệu quả, phù hợp; nghiên cứu phần mềm biên soạn bài giảng E - Learning Adobe Presenter, phần mềm biên tập Video Camtasia; xây dựng các bài mô phỏng mạch số; xây dựng hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm cho các bài học và môn học; tiến hành tổng hợp, liên kết, xuất bản bài giảng chạy trên mạng LAN (mạng nội bộ) của nhà trường và Internet. Đồng thời, cho chạy thử, chỉnh sửa và hoàn thiện sản phẩm.
Phần mềm của bài giảng điện tử gồm 8 bài giảng của môn Điện tử số, liên quan đến bộ đếm, mạch giải mã... Ngoài ra, còn có bộ câu hỏi tương tác, câu hỏi kiểm tra... Các tác giả đã sử dụng nhiều phần mềm chuyên dụng; lồng ghép hoạt động của giảng viên và mô phỏng vào bài giảng. Học viên khi thực hiện trên máy tính cá nhân có kết nối Internet thì chọn vào đường link để thực hiện nội dung kiểm tra hoặc khảo sát, quét mã QR sử dụng cho các đối tượng là cán bộ, giảng viên. Đây là ứng dụng rất hữu ích, phục vụ cho việc học tập của học viên và quá trình chuyển đổi số ở nhà trường.
Theo nhóm nghiên cứu, khi học viên trả lời khảo sát hoặc câu hỏi trắc nghiệm, kết quả sẽ được gửi trực tiếp vào Google form trong gmail của giảng viên. Ứng dụng này cũng cho phép sử dụng đối với các môn học không yêu cầu bảo mật, giúp giảng viên biết được thời gian sử dụng, kết quả học tập trên bài giảng E-Learning thông qua email của giáo viên. Như vậy, bên cạnh môn Điện tử số, người dạy có thể ứng dụng để xây dựng bài giảng E-Learning cho các môn học kỹ thuật khác mà không yêu cầu bảo mật.
Theo Đại tá Bùi Tiến Bảo - Chủ nhiệm Khoa Cơ sở, Trường Sĩ quan Thông tin: Đề tài là cơ sở để xây dựng và biên soạn các bài giảng thuộc lĩnh vực quân sự chạy trên mạng LAN của nhà trường, nâng cao tính bảo mật; có thể vận dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, cũng như hệ thống bài giảng E-Learning cho toàn quân. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo và huấn luyện chiến đấu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong quân đội, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ giáo dục hiện nay. Sản phẩm đã đạt giải nhất hội thi Tuổi trẻ sáng tạo Binh chủng Thông tin liên lạc, đang được gửi tham gia hội thi toàn quân.
V.L