Thời gian qua, Trung tâm Thông tin và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN) trực thuộc Sở KH-CN Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai, ứng dụng các nhiệm vụ, đề tài KH-CN cấp tỉnh, mang lại hiệu quả tích cực.
Thời gian qua, Trung tâm Thông tin và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN) trực thuộc Sở KH-CN Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai, ứng dụng các nhiệm vụ, đề tài KH-CN cấp tỉnh, mang lại hiệu quả tích cực.
Theo lãnh đạo Trung tâm Thông tin và ứng dụng KH-CN, công tác tuyên truyền, phổ biến tiến bộ KH-CN và tổ chức ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh là 2 nhiệm vụ chính của trung tâm. Thời gian qua, bên cạnh việc phổ biến những tiến bộ kỹ thuật, trung tâm đã chủ trì và cùng với các đơn vị chuyển giao công nghệ phối hợp xây dựng 2 mô hình sản xuất giống nhân tạo và 2 mô hình nuôi thương phẩm cá bớp, cá hồng mỹ. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng, ước tính có 30 cơ sở ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và hàng trăm hộ dân ứng dụng quy trình nuôi thương phẩm cá bớp, cá hồng mỹ, mang lại việc làm ổn định cho khoảng 250 lao động với thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng/người.
Ngoài ra, trung tâm đã xây dựng 7 mô hình hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân tại xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh); xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn); phường Cam Phúc Bắc (TP. Cam Ranh); xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa); xã Suối Tân, Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm) và xã Diên Xuân (huyện Diên Khánh). Đến nay, cả 7 mô hình vẫn đang được duy trì, vận hành ổn định, được các hộ dân ở địa phương xung quanh học tập và ứng dụng.
Mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng tại Khánh Hòa do Tiến sĩ Võ Thế Dũng - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III làm chủ nhiệm đã xây dựng thành công mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo sá sùng. Hiện nay, có 6 hộ dân và 2 trại sản xuất giống ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm sá sùng, tạo việc làm cho 16-18 lao động với thu nhập 7-9 triệu đồng/người/tháng. Đối với đề tài hoàn thiện quy trình canh tác và bảo quản dừa xiêm xanh tại Khánh Hòa, trung tâm đã cải tiến và chế tạo 1 máy gọt vỏ dừa phù hợp, đảm bảo tỷ lệ gọt sạch hơn 98%, công suất 250-300 quả/giờ; triển khai 1 mô hình canh tác dừa xiêm xanh, giai đoạn kiến thiết (2-4 năm), năng suất đạt từ 30-50 quả/cây/năm; triển khai 3 mô hình vườn dừa xiêm xanh giai đoạn kinh doanh (10-15) năm, năng suất ổn định 70-90 quả/cây/năm và đang triển khai 1 mô hình về bảo quản quả dừa xiêm xanh tươi, gọt vỏ. Đến nay, các mô hình vẫn duy trì ổn định, đem lại nguồn thu nhập cho các hộ dân. Ngoài ra, trung tâm còn phổ biến và nhân rộng nhiều đề tài khác.
Theo ông Nguyễn Tấn Thành - Giám đốc Trung tâm Thông tin và ứng dụng KH-CN, để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kết quả nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh và tiến bộ khoa học kỹ thuật, trung tâm đã liên hệ từng địa phương nắm bắt nhu cầu công nghệ, lựa chọn học viên có uy tín, có tiềm năng vận dụng công nghệ tham gia tập huấn. Đồng thời, liên hệ các đầu mối công nghệ, tìm kiếm công nghệ phù hợp, lên kế hoạch phối hợp triển khai… Tuy đơn vị đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao song vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn vị đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH-CN vào thực tiễn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư nâng cao tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật cho trung tâm để đơn vị hướng tới tự chủ hoàn toàn trong thời gian tới…
Từ năm 2019 đến nay, trung tâm đã phổ biến tuyên truyền 30 đề tài KH-CN cấp tỉnh; 8 tiến bộ kỹ thuật; mở 80 lớp với hàng ngàn học viên, cấp 8.000 tờ rơi, 250 áp phích… |
V.L