12:03, 31/03/2022

Nghiên cứu thực hiện mô hình học cụ phục vụ đào tạo nghề

2 mô hình: "Tạo lỗi khắc phục sự cố máy in" và "Thử nghiệm máy nén piston kín" của nhóm giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang là những biểu hiện sinh động của việc xây dựng thiết bị, công cụ trực quan phục vụ đào tạo nghề của nhà trường. 2 mô hình này đã được trao giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IX (2020-2021)

2 mô hình: “Tạo lỗi khắc phục sự cố máy in” và “Thử nghiệm máy nén piston kín” của nhóm giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang là những biểu hiện sinh động của việc xây dựng thiết bị, công cụ trực quan phục vụ đào tạo nghề của nhà trường. 2 mô hình này đã được trao giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IX (2020-2021).


Tạo lỗi khắc phục sự cố máy in


Theo thầy Huỳnh Tấn Trịnh - Khoa Điện - Điện tử, trưởng nhóm nghiên cứu mô hình tạo lỗi khắc phục sự cố máy in, trong quá trình dạy và học, việc tiếp cận trực quan với những lỗi thường gặp của máy in rất khó khăn. Để tạo được một lỗi cho máy in, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian, gây khó khăn cho quá trình giảng dạy. Trong khi đó, các mô hình bán trên thị trường chưa đáp ứng sát với nhu cầu cũng như không bao quát hết bài tập thực hành; giá thành lại rất cao. Ngoài ra, những thiết bị có sẵn trên thị trường tính trực quan không cao, sinh viên rất khó được tiếp xúc trực tiếp toàn bộ thiết bị nên ít có tính thực tiễn. Từ thực tế đó, nhóm đã nghiên cứu, thiết kế và lắp đặt “Mô hình tạo lỗi và khắc phục sự cố máy in”.

 

Mô hình tạo lỗi khắc phục sự cố máy in.

Mô hình tạo lỗi khắc phục sự cố máy in.


Mô hình gồm có máy in laser kết nối với hệ thống công tắc cảm ứng thông qua điều khiển từ mạch thu phát wifi. Lệnh điều khiển được thực hiện bằng bo mạch sử dụng 10 ngõ ra điều khiển 10 công tắc tạo lỗi. 10 lỗi bao gồm: Lỗi nguồn; lỗi đóng nắp máy in; lỗi cảm biến đầu vào; lỗi mô tơ hành trình; lỗi trống hộp mực; lỗi cao áp hộp mực; lỗi scan; lỗi cao áp sấy; lỗi cảm biến sấy và lỗi đếm giấy. Đây là toàn bộ những lỗi chỉ ra để giúp học sinh - sinh viên có thể xử lý toàn bộ các bài tập thực hành cơ bản và nâng cao trong chương trình đề ra.


Với việc áp dụng mô hình, thời gian học có thể rút ngắn hơn. Hệ thống nhỏ gọn, phù hợp cho việc giảng dạy, thuận tiện cho nhiều sinh viên tiếp cận trực quan; có thể áp dụng để giảng dạy cho nhiều mô đun các ngành nghề của trường. Ngoài ra, trên cơ sở của bộ thực tập này, có thể tạo ra các bộ thực tập tương tự phục vụ công tác dạy nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp và cơ sở dạy nghề khác. Bộ thiết bị có giá thành 7,5 triệu đồng.


Mô hình máy nén piston


Thầy Lê Xuân Phong, Khoa Điện - Điện tử, trưởng nhóm nghiên cứu mô hình máy nén piston cho hay, với phương pháp giảng dạy cũ, học sinh, sinh viên chỉ học trên lý thuyết và rèn luyện kỹ năng bằng cách thử nghiệm các máy nén cũ của xưởng. Với cách học này, người học có rất ít thời gian để rèn luyện kỹ năng. Đồng thời, các máy nén cũ trong xưởng cũng không thể hiện đầy đủ tình trạng của máy nén. Từ đó, người học khó hình dung và tiếp thu bài học một cách tốt nhất. Với tình hình đó, nhóm đã nghiên cứu, phát triển “Mô hình thử nghiệm máy nén piston kín” nhằm phục vụ đào tạo nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí tại Khoa Điện - Điện tử Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang.


Mô hình gồm có 5 máy nén piston kín, có công suất 1/8Hp kết nối với hệ thống bằng các rắc ghim đấu điện trên mô hình. Các máy nén được kết nối vào các đồng hồ đo điện tử, có thể đo và hiển thị các thông số như: Vôn, Ampe, công suất, tần số… Mô hình sử dụng CB cấp nguồn có khả năng chống giật, rơ le áp suất cao, rơ le áp suất thấp để đảm bảo an toàn cho người dạy và học trong quá trình thực hành. Đồng hồ áp suất thấp, cao được sử dụng loại có màu cảnh báo xanh và đỏ đúng theo quy định an toàn lao động trong hệ thống lạnh. Đấu nối điện bằng các rắc ghim giúp thao tác nhanh và đảm bảo an toàn. Mô hình cho phép khai thác, ứng dụng bài tập cơ bản về máy nén piston. Ngoài ra, còn có thể triển khai ra nhiều dạng bài tập khác cho các mô đun thực hành khác như: trang bị điện, đo lường điện lạnh…


Theo thầy Phong, mô hình được thiết kế trên cơ sở tạo lỗi dựa trên cấu tạo và nguyên lý hoạt động của máy nén piston phục vụ giảng dạy các mô đun: Lạnh cơ bản, hệ thống máy lạnh dân dụng, trang bị điện, đo lường điện lạnh… trình độ cao đẳng và trung cấp của nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Mô hình có thể trang bị cho các trường cao đẳng, trung cấp hoặc trung tâm, cơ sở dạy nghề có giảng dạy, đào tạo nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Giá thành của bộ mô hình gần 7 triệu đồng.


V.L