Hiện nay, tại một số vùng trong tỉnh Khánh Hòa, nhiều cá nhân đã đưa năng lượng mặt trời vào thắp sáng cũng như bơm nước tưới, góp phần giải quyết bài toán thiếu điện phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, tại một số vùng trong tỉnh Khánh Hòa, nhiều cá nhân đã đưa năng lượng mặt trời vào thắp sáng cũng như bơm nước tưới, góp phần giải quyết bài toán thiếu điện phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Năng lượng mặt trời thay thế điện lưới
Hơn 1 năm nay, ông Cao Huy Cường (TP. Nha Trang) đã đầu tư xây dựng trang trại nuôi heo tại khu vực Núi Chúa (xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh). Khu vực này chưa có nguồn điện lưới quốc gia. “Nếu kéo điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất, trang trại phải đầu tư chi phí rất lớn. Cụ thể, trang trại cách nơi có điện lưới đến 3km, cứ 1km đường điện và hạ thế chi phí hơn 700 triệu đồng, chưa tính tiền sử dụng điện hàng tháng. Chi phí này nông dân không kham nổi…”, ông Cường nói.
Bằng giải pháp năng lượng mặt trời, ông Cường đã đầu tư 8 tấm pin, 8 bình ắc quy, máy bơm, với tổng chi phí 185 triệu đồng. Tuy chi phí khá cao so với mức đầu tư của nông dân nhưng ông Cường vẫn chấp nhận vì giá rẻ hơn nhiều so với đầu tư điện lưới. Ngày đóng hệ thống điện năng lượng mặt trời, ông Cường rất mừng vì đã có giải pháp phát triển trang trại, nước bơm rất mạnh, đủ sức vệ sinh, tắm cho đàn heo hơn 200 con. Đồng thời, ông còn tưới cho 150 gốc xoài, phát triển kinh tế vườn đồi. Hiện nay, công suất sử dụng chỉ mới đạt 30% trong tổng diện tích 1ha.
Ông Võ Tấn Duy (xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa) cũng vừa đầu tư hệ thống máy bơm sử dụng năng lượng mặt trời với giá 20 triệu đồng (chưa tính kinh phí dàn ống tưới tiết kiệm), dùng 4 pin năng lượng mặt trời, đủ để tưới cho 8ha tại thôn Tân Mỹ. “Nếu hàng ngày tưới 30% diện tích, 3 ngày hoàn thành 100% diện tích. Lúc đó, trang trại tưới nhắc lại vẫn đảm bảo năng lực tưới cho 8ha, cây trồng vẫn đủ nước, phát triển tốt”, ông Duy chia sẻ.
Theo nhiều nông dân, lâu nay, tại các vùng lõm, nơi chưa có điện lưới quốc gia kéo tới, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, đặc biệt là việc bơm tưới nước cho cây trồng hay chăn nuôi trang trại. Vì thế, việc xuất hiện các thiết bị bơm tưới sử dụng năng lượng mặt trời đã giải bài toán thiếu điện phục vụ sản xuất.
Giải pháp cho vùng khó khăn
Theo các nhà sản xuất, hệ thống bơm chạy bằng điện mặt trời có nhiều ưu điểm như: Tận dụng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, vô tận, tiềm năng rất lớn nhưng là năng lượng xanh, không ô nhiễm; hệ thống vận hành tự động, có thể tự động bơm khi có nắng; có thể chuyển đổi nguồn năng lượng dư thừa thành nguồn năng lượng điện 220V AC để sử dụng cho nhiều mục đích khác…
Ông Lâm Tuấn Lê Phi - kỹ thuật viên Công ty TNHH Một thành viên MES (Quảng Ngãi) - có chi nhánh tại Nha Trang cho biết, hiện nay, thiết bị bơm tưới bằng năng lượng mặt trời có đầy đủ các dòng công suất từ thấp đến cao. Điển hình có dòng máy bơm sử dụng năng lượng mặt trời, dùng nước ao hồ có lưu lượng xả cực lớn 45m3/h, công suất 1500W, 4 tấm pin, 450 WP, giá 30 triệu đồng; dòng trung 15m3/h hay 21m3/h tương ứng 20 triệu đồng và 26 triệu đồng. Chỉ với 10 triệu đồng, người dân cũng có thể đầu tư hệ thống bơm sử dụng năng lượng mặt trời tưới cho 1ha với công suất máy bơm 500-750W, đảm bảo lưu lượng nước từ 3 đến 10m3/h, tiết kiệm so với đầu tư điện lưới.
Hiện nay, nhiều vùng sản xuất không hiệu quả vì thiếu nguồn điện. Vì vậy, việc ứng dụng năng lượng mặt trời vào khâu tưới đã góp phần phát triển kinh tế các vùng đất nương rẫy, bạc màu, tạo thu nhập cao cho nông dân.
Ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương: Hiện nay, nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, điện lưới quốc gia vẫn chưa được kéo đến, trong đó có một phần nguyên nhân chi phí lớn nên các khu vực này vẫn thiếu năng lượng điện để phục vụ sản xuất. Việc xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm ứng dụng năng lượng mặt trời, trong đó có máy bơm nước bằng năng lượng mặt trời đã giúp người dân các khu vực này phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, tạo động lực phát triển cho vùng sâu, vùng xa. Nhà nước khuyến khích việc làm này. Tuy nhiên, hiện nay, việc ứng dụng vẫn còn khiêm tốn, số lượng công trình ít, phụ thuộc vào khả năng tài chính của người dân. |
V.L