Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang vừa xây dựng thành công phần mềm ứng dụng tra cứu rong biển Việt Nam trên điện thoại Android, tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu, theo dõi dễ dàng trên điện thoại thông minh.
Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang vừa xây dựng thành công phần mềm ứng dụng tra cứu rong biển Việt Nam trên điện thoại Android, tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu, theo dõi dễ dàng trên điện thoại thông minh.
Tra cứu không cần wifi
Rong biển là nguồn tài nguyên quý giá. Tuy nhiên, trước đây, các ứng dụng tra cứu rong biển của nước ngoài chưa đầy đủ, có ứng dụng lại thu phí; còn trong nước, có nhiều tác giả nghiên cứu về rong biển với khối lượng thông tin khá đồ sộ nhưng dữ liệu chưa được số hóa, gây khó khăn cho việc tra cứu, tìm hiểu. Vì thế, năm 2017, Phòng Vật lý và Ứng dụng, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang đã thực hiện đề tài cơ sở thuận tiện cho việc tra cứu. Tuy nhiên, người dùng cần có mạng Internet để truy cập vào website nitra.ac.vn mới có thể tra cứu được. Và khi tra cứu trên điện thoại dùng wifi thì giao diện hiển thị rất nhỏ gây khó khăn cho việc theo dõi thông tin cần tra cứu.
Để khắc phục các nhược điểm nói trên, nhóm tác giả đề tài do Thạc sĩ Võ Tấn Thông - chủ nhiệm đã quyết định viết lập trình cho ứng dụng smartphone có thể tra cứu offline các dữ liệu về rong biển Việt Nam mang tên: “Xây dựng ứng dụng trên smartphone sử dụng hệ điều hành Android dùng để tra cứu rong biển Việt Nam từ dữ liệu lưu trữ của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang” với 2 nội dung chính là: Biên tập và số hóa dữ liệu thông tin về rong biển để chạy demo trên smartphone hệ điều hành Android; viết lập trình ứng dụng tra cứu rong biển hoạt động trên smartphone chạy hệ điều hành Android.
Sẽ tiếp tục cập nhật, nâng cấp
Tiến sĩ Huỳnh Hoàng Như Khánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang: Ứng dụng rất có ý nghĩa cho các nhà khoa học nghiên cứu về rong biển bởi hoàn toàn miễn phí và có thể sử dụng để tra cứu rong biển mà không cần dùng đến wifi. Thời gian tới, viện tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện ứng dụng để tra cứu rong biển Việt Nam từ dữ liệu lưu trữ của viện. Sau khi hoàn thành, ứng dụng sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nhà khoa học nghiên cứu về rong biển. Đồng thời, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những giải pháp bảo vệ và phát huy tiềm năng nguồn lợi rong biển...
|
Theo Thạc sĩ Thông, hình dung việc tra cứu offline khá đơn giản, nghĩa là khi cập nhật vào trang web là thông tin đã được lưu lại trên ứng dụng. Nội dung thông tin được nén với dung lượng nhỏ nên không nặng máy và không ảnh hưởng đến dung lượng dự trữ của máy. Ứng dụng tra cứu rong biển Việt Nam trên điện thoại Android là ứng dụng đầu tiên và cũng là duy nhất mô tả về rong biển tại Việt Nam. Ứng dụng có thể tích hợp các thông tin chi tiết hơn về các loài rong biển là nguồn nguyên liệu cung cấp các chất có hoạt tính sinh học và thực phẩm chức năng Fucoidan.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vị - Trưởng phòng Thực vật biển, Viện Hải dương học, ứng dụng tra cứu rong biển khá hữu ích cho những người quan tâm. Thông tin có tên khoa học, tên tiếng Việt và mô tả bằng 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh. Điều này giúp người tra cứu dễ dàng nhận ra các loài rong thường gặp tại Việt Nam. Hiện nay, số loài rong biển rất lớn, tới 839 loài được biết tại Việt Nam nên ứng dụng cần bổ sung thêm.
V.L