11:04, 07/04/2021

Sản xuất phân trùn quế từ phụ phẩm nấm rơm: Nhiều lợi ích thiết thực

Hội đồng Khoa học và Công nghệ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu sản xuất phân trùn quế từ phế liệu nấm rơm" do Thạc sĩ Trần Thượng Hào - Trung tâm Khuyến nông làm chủ nhiệm. Đề tài được đánh giá có nhiều lợi ích đối với kinh tế - xã hội và môi trường.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu sản xuất phân trùn quế từ phế liệu nấm rơm” do Thạc sĩ Trần Thượng Hào - Trung tâm Khuyến nông làm chủ nhiệm. Đề tài được đánh giá có nhiều lợi ích đối với kinh tế - xã hội và môi trường.


Tận dụng phụ phẩm nấm rơm


Trùn quế là giống trùn có nhiều ưu điểm như: Sinh sản tốt, dễ nuôi, ăn thức ăn đa dạng, có giá trị dinh dưỡng cao và rất dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh. Đồng thời, trùn quế cũng là loại thức ăn giàu đạm cho các loài vật nuôi, thủy sản… Phân trùn quế là phân hữu cơ thiên nhiên chứa nhiều axit amin mà cây trồng rất dễ hấp thụ. “Khánh Hòa có nghề làm nấm rơm khá phát triển. Tuy nhiên, phụ phẩm của nghề này chưa được xử lý, tái sử dụng. Vì vậy, chúng tôi muốn tận dụng phụ phẩm nấm rơm để làm thức ăn nuôi trùn quế, đồng thời đánh giá thành phần, chất lượng phân trùn quế sản xuất từ phế phẩm trồng nấm rơm”, thạc sĩ Hào nói.

 

Nuôi trùn quế tại một hộ dân.

Nuôi trùn quế tại một hộ dân.


Đề tài tập trung vào 3 mục tiêu chính là: Xây dựng kỹ thuật sản xuất phân trùn quế từ phế phẩm trồng nấm rơm; đánh giá thành phần, chất lượng phân trùn quế sản xuất từ phế phẩm trồng nấm rơm; đánh giá hiệu quả kinh tế từ việc sử dụng phế phẩm trồng nấm rơm làm thức ăn nuôi trùn quế. Đề tài triển khai 4 mô hình sản xuất phân trùn quế (40m2/mô hình) tại các hộ nông dân ở TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và Cam Lâm; thời gian thực hiện trong 2 năm 2019 - 2020.


Để bảo đảm khách quan việc nghiên cứu, tác giả đề tài đã bố trí thí nghiệm theo các nghiệm thức: Cho trùn quế ăn 100% phân bò; 75% phân bò - 25% phế phẩm nấm rơm; 50% phân bò - 50% phế phẩm nấm rơm; 25% phân bò - 75% phế phẩm nấm rơm. Thời gian khảo sát 20 lần cho trùn quế ăn. Thí nghiệm tiến hành lặp lại 3 lần. Bên cạnh đó, đề tài còn phân tích hiệu quả kinh tế từ 4 mô hình thí nghiệm tại các hộ nông dân. Mẫu phân trùn được giám định tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP. Hồ Chí Minh.


Hiệu quả nhiều mặt

 

Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Đề tài đáp ứng được các mục tiêu đề ra, có nhiều ý nghĩa về kinh tế - xã hội và môi trường, được Hội đồng nghiệm thu Sở NN-PTNT thống nhất xếp loại đạt. Sở sẽ xem xét, nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nghiệm thức chứa 25% phế phẩm nấm rơm sau 3 ngày cho trùn quế ăn tiêu thụ hết 75% lượng thức ăn, đạt hiệu quả cao nhất, tốc độ tăng trưởng của trùn quế tốt nhất so với các nghiệm thức khác (tăng thêm 14,2kg trùn và 209,8kg phân)... Về hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, nghiệm thức 25% phế phẩm nấm rơm cho hiệu quả kinh tế cao nhất, đạt lợi nhuận xấp xỉ 4 triệu đồng/10m2/vụ; giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo ra phân hữu cơ cho nền nông nghiệp sạch. Ngoài ra, sản lượng phân trùn quế thu được tại 4 mô hình chuyển giao cũng đạt kết quả tốt: 7,4 tấn so với 4 tấn yêu cầu; sản lượng phân trùn quế sản xuất ra bằng 185% so với yêu cầu đề tài.


Ông Nguyễn Văn Hiếu (thôn Thượng, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) cho hay, khi tham gia mô hình, chủ đề tài cung cấp 300kg giống trùn quế, nông dân tự mua phế liệu nấm rơm, rơm rạ để triển khai theo quy trình. Sinh khối trùn quế sản xuất ra giúp rút ngắn thời gian nuôi lươn từ 8 tháng còn 6 tháng, nuôi gà từ 3 tháng còn 2,5 tháng; vật nuôi tăng trọng nhanh, khỏe, ít bệnh… Tổng lượng phân trùn sản xuất khoảng 2 tấn (giá 5.000 đồng/kg), trùn quế hơn 1 tấn (giá 50.000 đồng/kg) đủ để trang trại sử dụng, chưa tính chuyện tiêu thụ ra ngoài.  


Thạc sĩ Hào cho biết, từ kết quả đề tài có thể thấy, việc sản xuất các loại phân bón hữu cơ, nhất là phân trùn quế trên cơ sở nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao… Vì vậy, cần nhân rộng kết quả mô hình trên địa bàn tỉnh.


V.L