10:04, 02/04/2021

Nghiên cứu bảo vệ bãi rùa đẻ trên vịnh Nha Trang

UBND thành phố Nha Trang vừa tổ chức nghiệm thu đề tài "Khảo sát, đánh giá hiện trạng và phân vùng bảo vệ bãi rùa đẻ tại Bãi Bàng Lớn - Đầm Tre", do Thạc sĩ Đàm Hải Vân - Ban Quản lý vịnh Nha Trang làm chủ nhiệm. Đề tài mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn các loài rùa biển đang ở mức nguy cấp.

UBND TP. Nha Trang vừa tổ chức nghiệm thu đề tài “Khảo sát, đánh giá hiện trạng và phân vùng bảo vệ bãi rùa đẻ tại Bãi Bàng Lớn - Đầm Tre”, do Thạc sĩ Đàm Hải Vân - Ban Quản lý vịnh Nha Trang làm chủ nhiệm. Đề tài mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn các loài rùa biển đang ở mức nguy cấp.


3 nội dung của đề tài


Theo Thạc sĩ Đàm Hải Vân, các loài rùa biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của các hệ sinh thái biển. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về rùa biển, kể cả các công trình trên thế giới còn nhiều hạn chế. Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), đến năm 2002, số lượng cá thể loài vích đã giảm đến 75%, loài rùa da và đồi mồi giảm sút nghiêm trọng, từ 90 - 99%. Theo Sách đỏ của IUCN, tất cả các loài rùa biển đều nằm trong mức độ CR - rất nguy cấp và EN - nguy cấp trên phạm vi toàn cầu.

 

Phối hợp các lực lượng thả rùa biển.

Phối hợp các lực lượng thả rùa biển.


Tại Việt Nam, số lượng rùa biển sinh sản cũng như các bãi đẻ của rùa biển tại vùng biển ven bờ đã suy giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, vịnh Nha Trang được cho là có hệ sinh thái đa dạng, môi trường sống, sinh sản và phát triển ổn định cho một số loài rùa biển. Hàng chục năm trước, rùa biển thường xuyên lên đẻ trứng tại các bãi biển ven bờ và một số đảo như: Hòn Tre, Hòn Mun, nhất là Đầm Tre. Tuy nhiên, hiện nay, do các tác động của con người, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã làm thu hẹp bãi đẻ của rùa biển nên việc khảo sát và phân vùng bảo vệ bãi đẻ của rùa biển rất cần thiết.


Đề tài bao gồm 3 nội dung chính là: Khảo sát, đánh giá hiện trạng bãi rùa và phân vùng bảo vệ bãi rùa đẻ; thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về rùa biển và bãi rùa đẻ; xây dựng các giải pháp phục hồi và bảo vệ bãi rùa đẻ tại Bãi Bàng Lớn - Đầm Tre, vịnh Nha Trang. Đề tài được thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020 với nguồn kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học và kinh phí đối ứng Ban quản lý vịnh Nha Trang.


Xây dựng cơ sở dữ liệu về rùa biển

 

UBND TP. Nha Trang đã ban hành văn bản 2563 phê duyệt và công bố ứng dụng kết quả đề tài. Theo đó, UBND thành phố giao Phòng Kinh tế thành phố thực hiện công bố và đăng ký kết quả đề tài; bàn giao cho Ban Quản lý vịnh Nha Trang, phường Vĩnh Nguyên và các xã, phường ven biển triển khai ứng dụng vào thực tiễn…

Nhóm tổ chức khảo sát tại 3 đảo: Trí Nguyên, Bích Đầm, Bãi Bàng Lớn. Kết quả cho thấy: Tỷ lệ trung bình người dân được khảo sát nhìn thấy rùa biển trong vịnh là 86,63%; hầu hết người dân không biết cách cứu hộ rùa biển gặp nạn (90,43%), chưa phân biệt được các loài rùa biển (70,97%). Từ đó, nhóm xây dựng bãi rùa đẻ với chiều dài khoảng 2km dọc theo bãi biển và sâu vào đất liền 30 - 50m được phân vùng, đánh dấu bằng phao nhựa, không để tàu thuyền xâm phạm vào bãi đẻ. Ngoài ra, đề tài còn xây dựng cơ sở dữ liệu về rùa biển như: Xác định tập tính sinh học, sinh thái của rùa biển; xây dựng phương pháp cứu hộ rùa; xây dựng bảng thông tin, số liệu về rùa biển (số lượng đẻ trứng, giống loài…). Nhóm phối hợp với Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa lập tổ cứu hộ rùa biển 5 người (3 người ban quản lý vịnh, 2 người công ty yến sào) kiểm tra bãi rùa đẻ, ổ trứng rùa để giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng và gây tử vong cho rùa biển, theo dõi và hỗ trợ rùa biển mùa sinh sản, kịp thời cứu hộ rùa biển gặp nạn, giảm nguy cơ gây tử vong. Tần suất kiểm tra bãi rùa đẻ 2 ngày/tháng, 5 tháng/năm (tổng cộng 10 đợt kiểm tra/năm). Tuy nhóm khảo sát chưa phát hiện rùa đẻ nhưng từ năm 2009 - 2016, người dân cho biết 3 lần nhìn thấy (4 ổ trứng) rùa đẻ tại khu vực Đầm Tre và Hòn Tre. Đồng thời, trong giai đoạn khảo sát 2018 - 2020, nhóm đã phát hiện 3 lần, gồm 2 cá thể đồi mồi và 1 cá thể vích (tổng khối lượng 44kg) lên bờ tại khu vực Hòn Mun và Bãi Bàng Lớn, được cứu hộ đưa về biển. Bên cạnh đó, nhóm vận động cư dân các đảo Trí Nguyên, Bích Đầm, Bãi Bàng nắm bắt về tình hình sinh sản, bãi đẻ rùa biển và cách bảo vệ rùa biển…


Thạc sĩ Vân cho hay, tuy đề tài đã hoàn thành, nghiệm thu đạt chất lượng và cho phép ứng dụng rộng rãi, song để có tác động bền vững, lâu dài cần có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, đào tạo nâng cao kỹ năng, năng lực chuyên sâu cho người dân, học sinh và cán bộ trên địa bàn TP. Nha Trang và các khu dân cư ven khu bảo tồn biển về công tác bảo tồn rùa biển. Ngoài ra, các cấp, ngành cần rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, các loài rùa nguy cấp; xây dựng các quy định về quản lý, kiểm soát tác nhân ảnh hưởng tới rùa biển; hướng dẫn về công tác cứu hộ, chăm sóc, quản lý trong điều kiện nuôi nhốt, nhân nuôi và tái thả rùa biển về tự nhiên và nhiều giải pháp khác…


V.L