Một thiết bị bằng bàn tay với cảm biến mùi tốt hơn loài chó được gắn trên drone để đo chất lượng không khí ở độ cao ngoài tầm của các trạm.
Một thiết bị bằng bàn tay với cảm biến mùi tốt hơn loài chó được gắn trên drone để đo chất lượng không khí ở độ cao ngoài tầm của các trạm.
Thiết bị nhỏ nói trên có tên Sniffer4D được phát triển bởi công ty Soarability, trụ sở tại Thâm Quyến. Sniffer4D có thể nhận biết 9 loại khí và phân tử khác nhau trong không khí. Thiết bị đang được dùng để theo dõi ô nhiễm không khí, khí thải tàu thuyền, rò rỉ ống dẫn và các chất nguy hiểm tại hơn 20 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
"Trong các thử nghiệm của công ty, Sniffer4D không có độ chính xác như các trạm đo chất lượng không khí mặt đất với trang bị thiết bị đắt tiền, nhưng nó hoạt động tốt hơn các thiết bị cầm tay truyền thống", Giám đốc công ty, ông Steven Jiang cho hay. Thiết bị này không nhằm thay thế các trạm đo chất lượng không khí mặt đất ở Trung Quốc, mà bổ sung để đo chất lượng không khí ngoài tầm của các trạm.
Tại Philippines, một hệ thống camera thông minh dưới nước có tên CORaiL đang được sử dụng để giám sát các rạn san hô. Hệ thống là thành quả hợp tác giữa nhà sản xuất chip Intel của Mỹ, công ty tư vấn Accenture và Quỹ môi trường địa phương Sulubaaï. Các máy quay video thông minh được triển khai dưới nước xung quanh các rạn san hô để xác định chủng loại, "sức khỏe" của chúng và số lượng các loài cá. Theo cách truyền thống, rạn san hô thường được theo dõi bởi các thợ lặn, những người tự quay video và chụp ảnh.
Kể từ tháng 5/2019 khi triển khai hoạt động, CORail đã sưu tập khoảng 70.000 bức ảnh. Công nghệ này có thể triển khai dễ dàng ở bất cứ nước nào. Nó thân thiện với môi trường hơn con người vì không phá vỡ hành vi sinh vật biển. Nó hiệu quả hơn cách làm truyền thống vì có thể hoạt động lâu hơn một thợ lặn bình thường vốn chỉ có thể lặn dưới nước khoảng một tiếng.
Một thay đổi chính sách lớn vào tháng 7 năm ngoái ở Trung Quốc khi Thượng Hải bắt phân loại rác tại các hộ gia đình đã thúc đẩy sự phát triển công nghệ sạch ở các khu đô thị lớn tại Trung Quốc. Hưởng ứng chính sách mới, công ty dẫn đầu về công nghệ AI của Trung Quốc, IflyTek, đã tạo ra hệ thống nhận dạng bằng hình ảnh và giọng nói, giúp người dân phân loại và bỏ rác vào đúng thùng.
Ngoài Thượng Hải, 45 thành phố lớn khác của Trung Quốc có kế hoạch thiết lập hệ thống phân loại rác cơ bản vào cuối năm nay. Các thành phố nhỏ hơn sẽ thực hiện kế tiếp vào năm 2025.
Theo vnexpress