Trong tương lai, những người bị bệnh tim rất có thể sẽ được thay thế những quả tim nhân tạo 3D làm từ bọt xốp.
Trong tương lai, những người bị bệnh tim rất có thể sẽ được thay thế những quả tim nhân tạo 3D làm từ bọt xốp.
Trái tim nhân tạo 3D làm từ bọt xốp. |
Đó là một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học tại Đại học Cornell, Mỹ. Nhiều chuyên gia y học coi đây như một bước đột phá trong ngành giải phẫu bệnh lý cho trái tim con người.
Thành phần chủ yếu của trái tim này là bọt xốp đàn hồi (một loại silicon dẻo), có thể cấy ghép vào cơ thể và tương tác nhẹ nhàng với các mô hữu cơ. Chất bọt xốp này được đổ vào một chiếc khuôn 3D cùng với muối để tạo hình, đồng thời đặt thêm các van tim để phù hợp với cấu trúc hoàn chỉnh của một trái tim bình thường.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn thiết kế một chiếc bơm ngoài, được làm từ kim loại không phản ứng với cơ thể để đẩy không khí và một lớp nhựa phủ quanh trái tim có cấu trúc giống da người nhằm ngăn việc rò rỉ chất lỏng.
Điều khác biệt giữa trái tim xốp và những trái tim nhân tạo khác là nó rất mềm, có thể cho phép không khí đi qua và tạo ra nhịp đập, cũng giống như cách mà máu lưu thông trong các mạch máu và tạo ra nhịp đập của những trái tim người bình thường.
Tuy nhiên, trái tim xốp này chỉ có 2 ngăn, khác với tim người thông thường (có 4 ngăn). Nhưng với vật liệu bọt xốp đàn hồi, trái tim nhân tạo có thể nở to gấp 3 lần so với kích thước ban đầu của nó rồi có thể trở về hình dạng ban đầu, không biến dạng và thay đổi công năng.
Việc thiết kế thành công trái tim xốp sẽ là sự khởi đầu đầy hứa hẹn cho ngành y tế toàn cầu trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn nhiều việc phải làm với trái tim nhân tạo này cho đến khi nó thực sự thay thế được trái tim con người.
Theo chinhphu.vn