Mục đích của việc đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ đầu khỏi những chấn thương nếu chẳng may bị tai nạn. Việc đội mũ bảo hiểm ở một số quốc gia là bắt buộc, trong đó có Việt Nam. Khi gặp tai nạn ở tốc độ cao, mũ bảo hiểm sẽ giúp tăng khả năng sống sót...
Mục đích của việc đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ đầu khỏi những chấn thương nếu chẳng may bị tai nạn. Việc đội mũ bảo hiểm ở một số quốc gia là bắt buộc, trong đó có Việt Nam. Khi gặp tai nạn ở tốc độ cao, mũ bảo hiểm sẽ giúp tăng khả năng sống sót, tuy nhiên, khả năng giảm chấn động khi va chạm ở tốc độ thấp của mũ bảo hiểm vẫn chưa thực sự tốt, các tổn thương khi bị va chạm ở tốc độ thấp vẫn rất nguy hiểm. Chiếc mũ bảo hiểm ATR-1 của công ty 6D có sử dụng các thiết bị hấp thu chấn động sẽ giúp giảm nguy cơ tổn thương não khi xảy ra các va chạm ở tốc độ chậm, đồng thời cũng có chức năng bảo vệ tương đương so với các sản phẩm khác.
Một chiếc mũ bảo hiểm thông thường bao gồm lớp vỏ bảo vệ bên ngoài và lớp mút xốp EPS bên trong. Để có thể bảo vệ được đầu của người đội trước lực tác động khi bị va chạm ở tốc độ cao thì lớp vỏ ngoài của mũ cần phải rất cứng. Nhưng đáng tiếc là ở các va chạm tốc độ thấp, lớp vỏ cứng đó lại để nhiều lực tác động đi vào trong đầu của người đội. Mặc dù các tấm mút xốp mật độ cao có thể giúp ngăn ngừa tình trạng đó, nhưng các kỹ sư của công ty 6D đã tuyên bố rằng mũ bảo hiểm ATR-1 của họ sẽ làm tốt hơn.
Mũ bảo hiểm ATR-1 cũng có một lớp vỏ bảo vệ bên ngoài được làm từ sợi các bon/sợi Kevlar/sợi thuỷ tinh cùng với đó là lớp mút xốp EPS. Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở ATR-1 là nó còn có một lớp mút thứ hai, nằm bên dưới lớp bảo vệ cứng. Ở giữa hai lốp mút xốp đó có các bộ giảm chấn đàn hồi. Bên cạnh khả năng hấp thu chấn động theo hướng thẳng từ trên xuống, các giảm chấn này còn có thể giãn về một bên để triệt tiêu bớt lực tác động khi xảy ra tai nạn.
Ở các mũ bảo hiểm thông thường, lớp bảo vệ cứng bên ngoài, lớp mút xốp và đầu của người đội tạo thành một thể thống nhất. Khi lớp vỏ bên ngoài bất ngờ bị va chạm với mặt đường (hoặc thứ gì đó) ở một góc, lực quán tính sẽ tạo nên một cú giật mạnh về một bên và khiến phần đầu bên đó bị chấn thương. Vì bộ não chúng ta “trôi” trong xương sọ, nên nó sẽ di chuyển một khoảng khi phần đầu bị va chạm bất ngờ. Cú va chạm có thể khiến các dây thần kinh và mạch máu bị chấn động, gây ra tổn thương cho não hay thậm chí là khiến người gặp tai nạn mất mạng.
Vì các giảm chấn đàn hồi trên mũ bảo hiểm ATR-1 có thể giãn về một bên nên nó có thể hấp thu phần lớn lực quán tính khi va chạm và phần đầu sẽ không phải gánh chịu lực tác động này. Theo công ty 6D, các thử nghiệm cho thấy ATR-1 có thể giảm lực tác động lên đầu đến 81% so với các mũ bảo hiểm thông thường.
Mũ bảo hiểm ATR-1 của 6D có trọng lượng khoảng 1,5kg và bán với giá 745 USD.
Theo Gizmag