Trong bối cảnh thị trường mua bán ô tô trực tuyến được dự báo sẽ tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ, các hãng ô tô tiếp tục thúc đẩy mô hình kinh doanh, chăm sóc khách hàng trực tuyến.
Ranger Stormtrak là một trong hai mẫu xe được Ford cho "lên sàn" trực tuyến từ ngày 11-4. |
Ngày 11-4, Ford trở thành cái tên mới nhất tung ra nền tảng thương mại điện tử riêng tại Việt Nam. Theo công bố, người tiêu dùng muốn mua xe có thể dễ dàng thực hiện các thao tác tìm hiểu thông tin, lựa chọn sản phẩm và đặt hàng trực tuyến với chỉ vài nút bấm.
Trong mô hình mới, Ford Việt Nam đảm nhận hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc về sản phẩm, dịch vụ và ghi nhận đặt cọc thành công, sau đó chuyển tiếp thông tin tới đại lý mà khách hàng lựa chọn nhận xe. Được biết, hiện có khoảng 40% đại lý trên lãnh thổ Việt Nam đã sẵn sàng tham gia hệ thống bán hàng trực tuyến này.
Hai mẫu xe Ranger Stormtrak (giá từ 1,039 tỷ đồng) và Everest Platinum (1,545 tỷ đồng) sẽ tiên phong được Ford đưa lên nền tảng bán hàng trực tuyến mới. Đây cũng là hai mẫu xe mới trình làng tại Việt Nam cách đây không lâu.
Theo ông Apiuchat Thuravatikul, Giám đốc Bán hàng và tiếp thị của Ford Việt Nam, so với hình thức bán xe trực tuyến, kênh bán hàng trực tuyến có ưu thế lớn trong việc đảm bảo môi trường giao dịch minh bạch và cá nhân hoá cao độ. Nền tảng này cũng phù hợp hơn với xu hướng trẻ hoá của người mua ô tô Việt Nam, đồng thời đem lại nhiều lợi ích cho mảng dịch vụ, chăm sóc sau bán hàng.
Dĩ nhiên, Ford không phải cái tên duy nhất quan tâm đặc biệt tới nền tảng kinh doanh trực tuyến trong bối cảnh hiện nay. VinFast từ lâu đã vận hành hệ thống trang web tiếp nhận đơn đặt hàng và thực hiện thủ tục thanh toán cho các dòng xe của mình. Các thế hệ VF 6 và VF 7 mới ra mắt đều có tỉ lệ cao bán ra qua kênh trực tuyến. Ở phân khúc xe sang, Mercedes-Benz đi đầu trong vận hành sàn giao dịch xe trực tuyến tại Việt Nam.
Giao diện hạch toán mua xe của VinFast đối với mẫu VF 7. |
Những bước đi mới của các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam không nằm ngoài xu hướng số hóa mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô thế giới đang chuyển mình nhanh chóng chưa từng thấy.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Astute Analytica, mảng bán ô tô trực tuyến toàn cầu có thể đạt tới 885,1 tỷ USD vào năm 2032, tăng nhiều lần so với con số 304,7 tỷ USD trong năm 2023, với mức tăng trưởng thường niên trong giai đoạn 2024-2032 vào khoảng 12,58%. Giao dịch trực tuyến được dự đoán sẽ chiếm khoảng 30% số xe mới bán ra trên toàn cầu, tăng đáng kể so với mức chỉ 5% trong năm 2022.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng lo ngại, việc “trực tuyến hoá” trải nghiệm mua xe có thể tạo ra khoảng cách giữa nhà sản xuất xe và người tiêu dùng, khiến việc truyền tải những thông điệp mang cảm hứng của sản phẩm hay ghi nhận phản hồi trực tiếp trở nên kém hiệu quả. Một lãnh đạo mảng kinh doanh của Mercedes-Benz thừa nhận, đặc thù xe sang khiến việc bán hàng qua nền tảng trực tuyến có nhiều khó khăn so với xe phổ thông. Thay vào đó, nhiều khách hàng phân khúc này vẫn mong muốn được mua sắm trực tiếp để tận hưởng các dịch vụ giá trị gia tăng cao cấp.
Theo hanoimoi.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin