Năm 2023 chứng kiến các hãng xe sang có những cách tân mang tính chiến lược nhằm vạch ra hướng phát triển dài hạn tại Việt Nam, với niềm tin to lớn về tiềm năng phát triển của nền kinh tế và những tác động tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo tân Giám đốc điều hành Audi Việt Nam Ferry Enders, thị trường xe sang Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng tích cực. Số liệu nội bộ của Audi cho thấy, phân khúc xe sang đang chiếm khoảng 3% tổng doanh số ô tô bán ra tại Việt Nam.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Mercedes-Benz Việt Nam cho biết, hạ tầng giao thông liên tục được cải thiện với độ phủ dày đặc hơn của các tuyến cao tốc nối từ thành phố lớn ra các đô thị vệ tinh cũng góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các dòng xe sang, bao gồm cả xe thể thao cao cấp, tại Việt Nam. Đây cũng là lý do khiến “sao ba cánh” gần đây tích cực đẩy mạnh phát triển các dòng xe thể thao Mercedes-AMG, cũng như xe siêu sang Mercedes-Maybach.
Một điểm đáng chú ý là, đại diện các hãng đều có chung quan điểm, xu hướng điện hóa phương tiện gần đây đã đem lại nhiều lợi thế cho xe sang trên toàn cầu, và phân khúc này ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, các ý kiến cũng chỉ ra, hạ tầng trạm sạc và sự ủng hộ về chính sách đối với phương tiện di chuyển xanh vẫn là hai yếu tố mang tính tiền đề hết sức quan trọng để xe sang chạy điện có thể trở nên phổ biến.
BMW X5 "Made in Vietnam" trong một lần trưng bày tại thành phố Hồ Chí Minh. |
Đề cập tới tác động khác biệt giữa việc nhập khẩu và lắp ráp xe sang, ông Ferry Enders khẳng định, Audi chưa có kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam, thay vào đó tập trung vào việc nhập khẩu xe từ Đức.
Đây là cách tiếp cận được cho là đáng ngạc nhiên trong bối cảnh hai đối thủ "đồng hương" trực tiếp là Mercedes-Benz và BMW đều đã lắp ráp xe tại Việt Nam.
Lý giải điều này, Giám đốc điều hành Audi Việt Nam cho biết, theo lộ trình EVFTA, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam là 0% từ năm 2030. Tuy nhiên, việc mức thuế này về 35% kể từ năm 2025 đã “đủ xóa nhòa ranh giới cạnh tranh thuế giữa xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu”.
Cách đây vài năm, BMW (do THACO lắp ráp và kinh doanh) đã triển khai dự án lắp ráp xe tại Chu Lai nhằm giảm giá thành, đảm bảo nguồn cung, và lần lượt tung ra thị trường các mẫu X3, X5 hay Series 3 "Made in Vietnam" kể từ năm 2022 tới nay.
“Chúng tôi cũng cho rằng, xe sản xuất, nhập khẩu tại Đức vẫn có sức hút nhất định đối với người tiêu dùng Việt Nam, xu hướng phát triển của Audi nói riêng và xe sang nói chung thời gian tới sẽ tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm và dịch vụ khách hàng” - ông Enders bình luận thêm.
Trong 3 "ông lớn" xe Đức tại Việt Nam, chỉ có Audi chưa thành lập cơ sở lắp ráp tại chỗ. |
Để đáp ứng mục tiêu phát triển mới, Audi cũng đang trong quá trình cải tổ toàn diện lần đầu tiên tại thị trường Việt Nam sau 15 năm. Thay đổi quan trọng là việc có thêm cổ đông nhập khẩu xe Pon, một tập đoàn Hà Lan với quy mô và kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phương tiện di chuyển.
Thực tế, Pon không phải cái tên xa lạ với ngành ô tô Việt Nam, khi đã cùng Phú Thái Mobility nhập khẩu và kinh doanh xe Jaguar, Land Rover từ năm 2019.
Theo hanoimoi.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin