Cuối tuần này, hãng xe Đức đã tung ra mẫu C43 4MATIC tại thị trường Việt Nam khiến giới mê tốc độ nức lòng. Nhưng đằng sau đó là một dấu ấn quan trọng, thể hiện bước tiến mới của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Việc lắp ráp các mẫu xe AMG đòi hỏi trình độ cơ khí cao. |
Đây là thành quả sau gần 1 năm thiết lập dây chuyền sản xuất AMG, và khoảng 2 năm sau khi đầu tư 33 triệu USD vào sáu công nghệ lắp ráp mới tại nhà máy Việt Nam. So với các mẫu Mercedes-Benz “thường”, các dòng xe AMG đòi hỏi trình độ cơ khí chính xác cao hơn đáng kể do vận hành ở tốc độ cao và điều kiện khắc nghiệt.
Xe AMG xuất xưởng tại Việt Nam tiếp tục áp dụng triết lý sản xuất nổi tiếng “One Man, One Engine” (Một kỹ sư, Một động cơ), nhằm đảm bảo mỗi chiếc AMG được xuất xưởng đều mang một nét đặc trưng của người đã tạo ra nó. Đây cũng là lý do động cơ xe AMG lắp ráp trong nước được mang về từ nhà máy tại Affalterbach (Đức).
Dây chuyền mới có sản lượng khoảng 100 xe mỗi năm, tập trung phục vụ thị trường trong nước. Ngoài C43, Mercedes-Benz cũng có kế hoạch lắp ráp thêm các mẫu xe hiệu năng cao AMG khác, nhưng chưa tiết lộ cụ thể ở thời điểm này.
Cũng theo nguồn tin trong hệ thống sản xuất của Mercedes-Benz, việc lắp ráp các mẫu AMG tại Việt Nam cũng giúp giá thành xe giảm khoảng 10-15% tuỳ mẫu, so với nhập khẩu nguyên chiếc.
Theo các chuyên gia ô tô, việc lắp ráp các dòng xe AMG tại Việt Nam tiếp tục cho thấy sự tin tưởng của hãng xe lâu đời nhất thế giới đối với năng lực sản xuất của ngành công nghiệp ô tô trong nước. Trước đó, vào năm 2014, Việt Nam từng “gây sốc” khi trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Đức được quyền lắp các mẫu sedan siêu sang S-Class.
Ở thời điểm đó, ông Michael Behrens, nguyên Tổng Giám đốc của Mercedes-Benz Việt Nam cho biết, việc S-Class được "Made in Vietnam" đã truyền tải rất nhiều thông điệp mà trước tiên là minh chứng cho trình độ lắp ráp bậc thầy, bởi lẽ chiếc xe tốt nhất cần nơi chế tạo tốt nhất.
Theo hanoimoi.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin