Các nền tảng số trong nước như trình duyệt Cốc Cốc, mạng xã hội Zalo hiện vẫn đang cạnh tranh quyết liệt và có thứ hạng cao khi xếp cùng các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Facebook, Google.
Ảnh minh hoạ. |
DecisionLab vừa phát hành báo cáo Connected Consumer quý 3/2024. Nội dung báo cáo này đã chia sẻ nhiều số liệu, góc nhìn về sự phát triển và các xu hướng mới của người tiêu dùng số Việt. Mạng xã hội nội địa duy nhất đứng đầu Thống kê của DecisionLab cho thấy, các nền tảng truyền thông xã hội top đầu tại Việt Nam hiện vẫn là những cái tên quen thuộc như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok và Instagram. Hiện Facebook đang duy trì vị thế dẫn đầu ở mảng truyền thông xã hội với tỷ lệ thâm nhập lên tới 94% người dùng Internet. Zalo hiện xếp ở vị trí thứ 2 với tỷ lệ thâm nhập 90%. Đây cũng là nền tảng truyền thông xã hội nội địa duy nhất xuất hiện trong top 5, cạnh tranh sòng phẳng với các gã khổng lồ ngoại quốc. Trong mảng truyền thông xã hội, nổi lên là sự xuất hiện của Threads. Tuy nằm ngoài top 5, nền tảng này hiện có sự gia tăng nhẹ về mức độ thâm nhập tại Việt Nam, với thế hệ Gen Z là động lực tăng trưởng chính. Thế hệ Gen Z với sự am hiểu hơn về công nghệ sử dụng trung bình 3 ứng dụng truyền thông xã hội cho hoạt động hàng ngày, trong khi con số này là 2 ở các thế hệ trước đó.
Facebook vẫn là nền tảng quan trọng nhất đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Trong khi đó, Zalo đang duy trì sự thống trị của mình ở nhóm đối tượng người dùng cao tuổi hơn, thế hệ X (Gen X, những người sinh từ năm 1960-1980). Livestreaming tiếp tục là xu hướng nổi bật trên thị trường thương mại điện tử, mang đến cuộc cách mạng về trải nghiệm mua sắm trực tuyến của người dùng Internet. Facebook hiện là nền tảng dẫn đầu về mức độ thâm nhập khi chiếm tới 62% thị phần phát trực tiếp tại Việt Nam. Tuy nhiên, TikTok đang thu hẹp đáng kể khoảng cách với tỷ lệ thâm nhập lên tới 53%. TikTok hiện vẫn duy trì vị thế thống trị ở mảng video ngắn tại Việt Nam với tỷ lệ thâm nhập 64%. Các nền tảng xếp theo sau lần lượt là Facebook, YouTube, Zalo và Instagram.
Theo số liệu báo cáo, Zalo Video mặc dù âm thầm nhưng vẫn thể hiện sự quyết tâm giành thị phần với các ông lớn trên chính sân nhà. Trình duyệt Make in Vietnam có thị phần đáng kể Theo kết quả khảo sát công bố tại báo cáo Q3/2024 của Decision Lab vừa được công bố, Cốc Cốc được nhắc đến là "một trình duyệt web nội địa được phát triển tại Việt Nam, đang có những bước tiến đáng kể, nổi lên như một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với các ‘ông lớn’ như Google Chrome và Safari trên cả nền tảng PC và di động." Theo các báo cáo, Google Chrome vẫn là cái tên dẫn đầu thị phần người dùng nhờ vào tốc độ, giao diện dễ dùng và sự đồng bộ chặt chẽ với hệ sinh thái Google. Microsoft Edge, Firefox hay Safari cũng không kém cạnh khi tăng trưởng đều đặn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, Cốc Cốc - trình duyệt phát triển bởi người Việt đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cốc Cốc hiện là trình duyệt nội địa phổ biến nhất tại Việt Nam và là lựa chọn yêu thích của nhiều người dùng có nhu cầu trải nghiệm các tính năng bản địa hóa và tiện ích hỗ trợ tiếng Việt. Theo báo cáo của Decision Lab "Cốc Cốc khẳng định vị thế vững chắc của mình với tư cách là một trình duyệt nội địa khi xếp thứ hai về lượng người dùng trên PC, đạt tỷ lệ người dùng là 59%, chỉ sau Google Chrome và vượt xa các trình duyệt khác. Trên di động, Cốc Cốc duy trì thị phần đáng kể với 21%, xếp sau Chrome và Safari với lần lượt là 75% và 30%."
Bên cạnh đó, Cốc Cốc còn nổi bật về độ hài lòng của người dùng. Theo khảo sát từ Decision Lab, trình duyệt này đạt điểm NPS (Net Promoter Score) là 53 trên PC, giữ vị trí thứ hai sau Chrome. Điều đáng chú ý, dù ít người dùng trên di động hơn so với Chrome và Safari, nhưng Cốc Cốc lại có điểm NPS cao nhất là 66 trên di động. NPS thể hiện chỉ số đo lường sự hài lòng và khả năng khách hàng sẽ giới thiệu thương hiệu của bạn đến với bạn bè, người thân. Hành vi sẵn sàng giới thiệu thương hiệu cho người khác được xem là một trong những biểu hiện từ lòng trung thành của khách hàng. Mức độ hài lòng và sự sẵn sàng giới thiệu Cốc Cốc cho người khác này cho thấy sự kết nối vững chắc của Cốc Cốc với người dùng, củng cố uy tín của họ trong một thị trường đầy cạnh tranh.
Số liệu từ báo cáo cũng chỉ ra xu hướng của người dùng thường xuyên theo các nhóm tuổi, Gen Z cho thấy họ ưa chuộng Cốc Cốc hơn so với các thế hệ khác. Cụ thể, trong khi tỷ lệ sử dụng Google Chrome trên PC của Gen Z chỉ đạt 57%, thấp hơn Gen X (67%) và Gen Y (66%) thì tỷ lệ Gen Z sử dụng Cốc Cốc chiếm 27% trên PC và 17% trên di động, cao hơn so với tỷ lệ của thế hệ X (20% trên PC, 6% trên di động) và Y (22% trên PC, 8% trên di động).
Ông Thue Quist Thomasen - CEO của Decision Lab nhận xét: "Khả năng đổi mới và cung cấp các tính năng lấy người dùng làm trung tâm đã giúp Cốc Cốc nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các đối thủ toàn cầu. Xu hướng này cho thấy tiềm năng của Cốc Cốc trong việc thu hút nhóm người dùng trẻ, am hiểu công nghệ." Trước đó, theo ghi nhận từ báo cáo họp giao ban của Bộ Thông tin và Truyền thông, quý 3/2024, Cốc Cốc đạt số lượng trung bình hơn 30,6 triệu người dùng, tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng công cụ tìm kiếm Cốc Cốc thu hút hơn 600 triệu lượt truy vấn hàng tháng. Trong lĩnh vực tài chính số, MoMo hiện vẫn duy trì vị thế dẫn đầu tại Việt Nam ở mảng này với mức độ thâm nhập lên tới 69%. Xếp ở các vị trí tiếp theo về tỷ lệ thâm nhập lần lượt là ZaloPay (44%), các ứng dụng ngân hàng (35%), ViettelPay (27%), ShopeePay (26%), VNPAY (17%).
DecisionLab nhận định, các ứng dụng ngân hàng tại Việt Nam đang đạt được đà phát triển ở mọi thế hệ, với nòng cốt là người dùng GenZ đóng vai trò thúc đẩy xu hướng. Khi được hỏi “Bạn dùng trang web hay ứng dụng nào để đọc tin tức?” 61% người dùng Việt cho biết, họ thường đọc thông tin qua Facebook, 40% đọc tin tức qua Google.
Các trang web hoặc ứng dụng trong nước hiện chỉ là sự lựa chọn của 38% người sử dụng. Tuy vậy, theo DecisionLab, các tờ báo, trang tin trong nước đang thu hẹp khoảng cách để trở thành lựa chọn đầu tiên khi có nhu cầu xem tin tức của người sử dụng. Thống kê cho thấy, các tờ báo, trang tin trong nước hiện là lựa chọn hàng đầu của người dùng thế hệ X và thế hệ Y (Gen Y, sinh từ năm 1981 đến 1996) và xếp thứ 2 trong danh sách lựa chọn của thế hệ Z (sau Facebook).. Theo TTXVN |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin