Các nhà khoa học Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã chế tạo thành công màng bảo quản thực phẩm phân hủy sinh học sử dụng chiết xuất polyphenol giàu hoạt tính sinh học từ hạt nhãn, kết hợp với các phụ gia hữu cơ, để tạo ra màng phân hủy sinh học. Nghiên cứu mở ra triển vọng cho các giải pháp bảo quản thực phẩm bền vững và thân thiện với môi trường.
Hạt nhãn là một phụ phẩm nông nghiệp có nhiều ở Việt Nam. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, hạt nhãn chứa nhiều hoạt chất quý mang hoạt tính sinh học như một số polyphenols (acid gallic, acid ellagic, corilagin...). Vì vậy, việc nghiên cứu và chế tạo màng bảo quản từ cellulose acetate kết hợp với polyphenol chiết xuất từ hạt nhãn có ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn.
TS. Lê Thị Mỹ Hạnh và nhóm nghiên cứu làm việc tại Khoa Hóa học, Đại học Quốc gia Belarus. Ảnh: vast.gov.vn |
Nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật nhiệt đới do Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hạnh làm trưởng nhóm đã hợp tác với nhóm nghiên cứu tại khoa Hóa học, Trường Đại học Quốc gia Belarus chiết xuất được polyphenols từ bột hạt nhãn và chế tạo thành công màng vật liệu cellulose acetate/dịch chiết nhãn (CA/DC). Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hạnh cho biết, màng vật liệu từ CA/DC ở tỷ lệ CA/DC-10/1,5 (v/v) (CAD1,5) cho các tính chất cơ lý, tính chất nhiệt tốt nhất và thể hiện hoạt tính kháng khuẩn E.coli... Thử nghiệm bảo quản quả nhãn bằng màng CAD 1,5 trong 8 ngày ở điều kiện nhiệt độ môi trường đạt kết quả tốt. Cellulose acetate là vật liệu có tiềm năng ứng dụng làm màng bảo quản thực phẩm thay thế cho các vật liệu nhựa tổng hợp. Đặc biệt, khi bổ sung thêm các polyphenols hoặc một số nano vô cơ sẽ tăng khả năng kháng khuẩn, chống ô xy hóa cho vật liệu.
Theo hanoimoi.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin