23:57, 17/09/2024

Cấy chip vào não cho phép người dùng điều khiển Alexa bằng ý nghĩ

Một bệnh nhân nam 64 tuổi, bị mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), đã được cấy chip vào não, cho phép ông có thể điều khiển các biểu tượng trên máy tính bảng Amazon Fire thông qua ý nghĩ.

Bệnh nhân Mark được thử nghiệm cấy chip vào não để điểu khiển Alexa bằng suy nghĩ.
Bệnh nhân Mark được thử nghiệm cấy chip vào não để điểu khiển Alexa bằng suy nghĩ.

Nhờ công nghệ cấy chíp vào não, giờ đây, một bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa thần kinh đã có thể ra lệnh cho trợ lý kỹ thuật số Alexa của Amazon chỉ bằng suy nghĩ của mình.

Synchron - công ty đứng sau công nghệ đột phá này - đã công bố thông tin trên vào ngày 16/9.

Theo Synchron, bệnh nhân nam 64 tuổi tên Mark, bị mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) đã được cấy chip vào mạch máu trên bề mặt não, cho phép ông có thể điều khiển các biểu tượng trên máy tính bảng Amazon Fire thông qua ý nghĩ.

Đáng chú ý, với công nghệ trên, bệnh nhân có thể thực hiện cuộc gọi video, phát nhạc, phát trực tuyến các chương trình, điều khiển các thiết bị thông minh trong nhà, thậm chí mua sắm trực tuyến và đọc sách thông qua việc dùng suy nghĩ để hướng dẫn Alexa.

Ông Mark chia sẻ: "Việc có thể điều khiển các vật dụng trong môi trường sống xung quanh mình và có thể tự truy cập các phương tiện giải trí giúp tôi lấy lại sự tự chủ và độc lập vốn đã bị mất đi."

Theo Synchron, thử nghiệm trên nhằm mục đích chứng minh rằng khách hàng có thể chỉ cần sử dụng suy nghĩ để điều khiển nhà thông minh sử dụng các thiết bị tương thích với Alexa như camera cửa, ổ cắm điện hay điều hòa nhiệt độ.

Ông Tom Oxley, người sáng lập, đồng thời là Giám đốc điều hành (CEO) của Synchron, cho biết: "Trong khi nhiều hệ thống nhà thông minh dựa vào giọng nói hoặc cảm ứng, chúng tôi đang gửi tín hiệu điều khiển trực tiếp từ não. Các bệnh nhân có thể tương tác với các thiết bị trong nhà mà không cần dùng tay hay giọng nói, chỉ cần dùng suy nghĩ của mình."

Nhiều công ty, trong đó có Neuralink của tỷ phú Elon Musk, cũng đang nghiên cứu kết nối não với máy tính. Hồi tháng Một vừa qua, Neuralink đã cấy ghép thành công một thiết bị vào não của một người đàn ông bị liệt do tai nạn trong khi lặn.

Đến tháng Bảy, tỷ phú Elon Musk thông báo công nghệ của Neuralink ngày càng cải tiến và đang tiến hành thử nghiệm với một bệnh nhân thứ hai.

Những bước tiến nói trên không chỉ mở ra khả năng mới cho việc điều khiển thiết bị công nghệ, mà còn mang lại hy vọng mới cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý thần kinh nghiêm trọng, giúp họ duy trì sự độc lập và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo TTXVN