15:58, 25/06/2024

Sáng kiến giảm rác thải nhựa với màng bọc thực phẩm từ vỏ trái cây

Loại màng bọc thực phẩm này không chỉ an toàn với sức khỏe mà còn giúp người dùng nhận biết thực phẩm hỏng.

Màng bọc thực phẩm "Yummy Plastic" là sáng kiến nhóm sinh viên Khoa Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Quốc tế, gồm Nguyễn Hoàng Kim Long, Lê Thùy Linh và Nguyễn Ngọc Thùy Dương.

TS Lê Quang Phong hướng dẫn Kim Long và Thùy Dương làm thí nghiệm
TS Lê Quang Phong hướng dẫn Kim Long và Thùy Dương làm thí nghiệm

Quy trình sản xuất thường kéo dài từ 7-10 ngày. Vỏ trái cây sau khi thu gom sẽ được làm sạch, phơi khô, trải qua quá trình trích ly, thu được pectin trong vỏ chanh dây và chất màu betacyanin trong vỏ thanh long đỏ. Các dịch chiết này tiếp tục được phối trộn với nước rồi đổ vào khuôn, sấy ở 60 độ C trong 24 giờ. Sau khi thu được thành phẩm, nhóm sẽ cán màng và tạo hình để hoàn thiện màng bọc thực phẩm sinh học.

Màng bọc thực phẩm của nhóm còn có khả năng kháng khuẩn và chống oxy hóa tốt, giúp kéo dài thời hạn sử dụng thực phẩm. Điểm nổi bật của Yummy Plastic là  khả năng biến đổi màu khi thực phẩm bị hỏng.

Màng bọc thực phẩm sinh học từ vỏ thanh long và vỏ chanh dây Yummy Plastic
Màng bọc thực phẩm sinh học từ vỏ thanh long và vỏ chanh dây Yummy Plastic

Tuy nhiên, độ dẻo dai của màng bọc Yummy Plastic so với màng bọc ni lông vẫn chưa cao. Sản phẩm có thời hạn sử dụng 3-4 tuần trong điều kiện nhiệt độ thấp (trong môi trường tủ lạnh) và phải tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Nếu không đảm bảo những điều kiện trên màng bọc sẽ mất tính năng đổi màu.

Đồng hành cùng nhóm từ những ngày đầu, TS Lê Quang Phong - Trưởng Bộ môn Hóa ứng dụng Trường ĐH Quốc tế, nhận xét màng bọc thực phẩm Yummy Plastic có tính sáng tạo và khả năng ứng dụng cao. "Màng bọc Yummy Plastic tận dụng được nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp là vỏ trái cây, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất nên sản phẩm có tiềm năng lớn trong việc thương mại hoá".

Theo vtv.vn