Trong giai đoạn phát triển mới, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục khẳng định khoa học và công nghệ (KH-CN) là quốc sách hàng đầu, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hòa chung tinh thần của cả nước “KH-CN đổi mới, sáng tạo - khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai”, thời gian qua, ngành KH-CN tỉnh Khánh Hòa đã không ngừng nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Phát huy tiềm lực lớn về khoa học - công nghệ
Khánh Hòa là một trong những địa phương có tiềm lực KH-CN vượt trội trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với số lượng khá lớn các trường đại học, viện, học viện... tổ chức hoạt động KH-CN và nghiên cứu phát triển với một đội ngũ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học. Các tổ chức KH-CN trên địa bàn tỉnh có năng lực, thế mạnh tập trung một số lĩnh vực nghiên cứu chính như: Kinh tế biển; y dược; chế tạo các loại vắc xin cho người và gia súc; các lĩnh vực công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực KH-CN trình độ đại học và trên đại học; tư vấn, phản biện, trực tiếp tham gia giải quyết các vấn đề KH-CN... Các tổ chức KH-CN này có đủ tiềm năng, tiềm lực tham gia các nghiên cứu khoa học của các cơ quan khoa học Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh mang tính chuyên ngành, ở trình độ cao, cả lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, có tính cấp thiết, phục vụ cho sự phát triển KH-CN chung của quốc gia, khu vực và của tỉnh...
Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại lễ khánh thành Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ (Trường Đại học Thông tin liên lạc) ở TP. Nha Trang. Ảnh: XUÂN ĐỊNH |
Với những lợi thế đó, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 42 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09; Chương trình hành động số 30 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 đều có những định hướng quan trọng về KH-CN. Trong đó, xác định thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên biển và kiểm soát tài nguyên biển, phát triển toàn diện kinh tế biển, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm.
Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Khoa học - Công nghệ tham dự Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân lần thứ 15. |
Bà Lê Vinh Liên Trang - Giám đốc Sở KH-CN cho biết, bám sát các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, thời gian qua, Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình KH-CN phát triển kinh tế biển tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình KH-CN phát triển nông thôn miền núi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025; Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Khánh Hòa; Chương trình hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025… Hướng đến mục tiêu phát triển KH-CN của tỉnh, hiện nay, một số nhiệm vụ được sở phối hợp triển khai tại tỉnh như: Hoàn thiện công nghệ làm sạch hàu nguyên liệu và xây dựng quy trình công nghệ sản xuất một số sản phẩm thực phẩm từ hàu Thái Bình Dương; nghiên cứu quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm mực lá; xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá sủ đất… Trong năm 2023, nhiệm vụ KH-CN các cấp tiếp tục được triển khai với 3 dự án nông thôn miền núi do Trung ương quản lý, 24 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh chuyển tiếp, 11 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh được tổ chức đánh giá nghiệm thu; nhiều đề tài có kết quả nổi bật, được ứng dụng tốt, mang lại hiệu quả.
Ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam trao tặng thiết bị nghiên cứu cho Viện Hải dương học. |
Sở KH-CN đã tăng cường hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng KH-CN mới, khuyến khích các đơn vị mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, ứng dụng đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh, hướng đến xuất khẩu; xây dựng mô hình liên kết và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, trong đó hướng đến các doanh nghiệp là hạt nhân, hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm cho người dân, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu phục vụ tiêu thụ trong và ngoài nước. Sở cũng đã triển khai hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân các thủ tục về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích; tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH-CN thuộc chương trình sở hữu trí tuệ của địa phương nhằm xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương có sử dụng tên địa danh như: Mía tím Khánh Sơn, tỏi Vạn Ninh, dừa xiêm Vạn Thọ…
Cùng với đó, Sở KH-CN cũng hỗ trợ phát triển các trung tâm dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số trung tâm hỗ trợ như: Công viên phần mềm quân đội, Trung tâm hỗ trợ sinh viên và khởi nghiệp ở Trường Đại học Nha Trang và Trường Đại học Thái Bình Dương, đây là những nơi sẵn sàng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cao
Hiện nay, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục phát triển KH-CN để Khánh Hòa trở thành một trong những địa phương có trình độ KH-CN thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và cả nước trong các lĩnh vực hải dương học, công nghệ đại dương, công nghệ sản xuất giống thủy sản, công nghệ nuôi trồng và chế biến thủy sản, vắc xin và sinh phẩm y tế, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ du lịch; tăng cường nghiên cứu và ứng dụng KH-CN mới; đầu tư có trọng điểm cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn…
Cán bộ Sở Khoa học - Công nghệ tham gia học tập, nghiên cứu khoa học. |
Theo bà Lê Vinh Liên Trang, để hiện thực hóa được mục tiêu đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cho ngành KH-CN tỉnh. Cụ thể, ngành sẽ tăng cường nghiên cứu và ứng dụng KH-CN mới, nhất là những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện chuyển đổi số, kỹ thuật số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ KH-CN phát triển nhanh và bền vững; đầu tư có trọng điểm cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn và khoa học tự nhiên, làm cơ sở cho việc xây dựng các chủ trương, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, nâng cao đóng góp của KH-CN và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức trong doanh nghiệp; phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP của tỉnh đạt hơn 50%, có 30 doanh nghiệp KH-CN; tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, phấn đấu đạt mức 2% tổng chi ngân sách địa phương.
Sinh viên Trường Đại học Nha Trang học tập, nghiên cứu khoa học, công nghệ. |
Cùng với đó, nâng cao năng lực của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH-CN và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Đến năm 2025, hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng dự án xây dựng công trình Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN và Trạm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng bằng nguồn vốn đầu tư công. Đến năm 2030, hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương với cơ chế đặc thù về hợp tác công tư nhằm đẩy nhanh tiến trình ứng dụng chuyển giao công nghệ đại dương phục vụ phát triển kinh tế biển và mục tiêu lưỡng dụng.
Tại cuộc họp với các cán bộ khoa học tiêu biểu trên địa bàn tỉnh năm 2024, ông LÊ HỮU HOÀNG - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị lực lượng cán bộ khoa học của các đơn vị cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của ngành KH-CN; tiếp tục triển khai nhiệm vụ thuộc các chương trình KH-CN giai đoạn 2021 - 2025; quan tâm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường KH-CN; tăng cường năng lực tiếp cận, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, kinh tế biển, kinh tế số. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN phục vụ sản xuất; đổi mới, nâng cao chất lượng triển khai và thực hiện nhiệm vụ KH-CN; tăng cường huy động nguồn lực xã hội, nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia phát triển KH-CN.
THÁI THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin