Giải pháp “Cải tiến lồng bè nuôi trồng thủy sản nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường” của ông Trương Đình Vịnh - Hội Nông dân phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang) đã đạt giải ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ X (2022 - 2023). Giải pháp góp phần tăng đáng kể thể tích lồng nuôi, giải quyết tình trạng phát triển ô lồng quá mức, gây nhiều hệ lụy cho các vùng nuôi.
Theo ông Trương Đình Vịnh, phường Vĩnh Nguyên có đặc thù vừa là nội thành vừa có biển đảo. Hầu hết hội viên nông dân làm nghề truyền thống nước mắm và đánh bắt hải sản, nuôi tôm, cá lồng bè. Hiện nay, phường quy hoạch 3 vùng tạm thời để nuôi trồng thủy sản gồm: Khu vực Bích Đầm và Trí Nguyên quy hoạch nuôi bè gỗ truyền thống; khu vực giữa Bích Đầm và Đầm Bấy quy hoạch vùng nuôi công nghệ cao; vùng nuôi Trí Nguyên diện tích mặt nước là 13ha, hiện có 128 hộ nuôi, gần 4.000 ô lồng, chủ yếu là bè gỗ truyền thống. Qua khảo sát của Hội Nông dân phường, trung bình mỗi bè nuôi có từ 10 - 20 ô lồng, mỗi bè cách nhau 20m, cá biệt có bè chỉ cách nhau 5 - 10m. Điều này dễ gây ra tình trạng thiếu ôxy, sự thông thoáng luồng nước tự nhiên không đảm bảo, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh thủy sản. Từ thực tiễn tại địa phương, ông Vịnh đã có sáng kiến cải tạo, xây dựng lồng bè từ 1 tầng đáy thành 3 tầng đáy để tăng thể tích lồng nuôi, hạn chế lấn chiếm diện tích mặt nước, giảm mật độ giữa các bè nuôi, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ô lồng cải tiến giảm diện tích mặt nước. |
Sau khi nghiên cứu kỹ lồng nuôi, ông Vịnh và các hội viên nông dân đã tiến hành xây dựng mô hình mới với thể tích lồng tăng gấp 3. Cấu tạo lồng nuôi cơ bản vẫn như lồng truyền thống
. Sự khác biệt lớn nhất là phần dưới nước lồng cũ gồm 1 tầng đáy nay thành 3 tầng đáy, kích thước giống nhau. Tầng đầu tiên cho ăn như bình thường, ở các tầng thứ 2 và thứ 3, người nuôi cho thức ăn vào 2 ống bô để thức ăn đi xuống các tầng. Quá trình lặn lấy thức ăn thừa và theo dõi chăm sóc tôm, cá, người nuôi cũng sẽ lặn xuống các lồng thông qua các ống bô để thực hiện. Qua tính toán, chi phí của 1 ô lồng 3 tầng chỉ mất hơn 12 triệu đồng nhưng tăng được sản lượng, mật độ nuôi lên gấp 3.
Theo ông Trần Quang Thịnh - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên, hệ thống lồng nuôi 3 tầng sẽ đảm bảo được diện tích mặt nước trong vùng quy hoạch (vì không phải cơi nới ô lồng), tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước dễ dàng hơn; tiết kiệm được thể tích nuôi sẽ đảm bảo được mật độ nuôi giữa các bè với nhau, từ đó tạo điều kiện cho dòng chảy thông thoáng hơn, hạn chế các vi sinh vật có hại, ký sinh trên vật nuôi làm lây lan mầm bệnh; lượng ôxy trong nước cao hơn, giúp vật nuôi có sức đề kháng và tăng trưởng tốt hơn. Đặc biệt, nuôi 3 tầng sẽ hạn chế việc sử dụng diện tích mặt nước, luồng lạch thông thoáng, tạo điều kiện cho các ghe thuyền thu gom rác, cung cấp thức ăn, vật tư ra vào vùng nuôi dễ dàng… Hiện nay, mô hình này đang được khuyến khích, nhân rộng với hơn 50 hộ áp dụng.
V.L
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin