Việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để chế tạo nguyên liệu tái tạo sẽ mang lại nhiều lợi ích về môi trường lẫn kinh tế. Mới đây, Công ty Cổ phần Năng lượng Resa (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) đã thử nghiệm thành công sản xuất than sinh học (biochar) từ vỏ sầu riêng.
Tại phân xưởng của Công ty Cổ phần Năng lượng Resa có khá nhiều giỏ đựng than sinh học và những can dầu giấm gỗ vừa mới sản xuất. Tại đây, chúng tôi gặp ông Hoàng Anh Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần Carbon Sinh học (Hà Nội) - đơn vị hợp tác triển khai Dự án than sinh học quy mô nông hộ tại Việt Nam phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân các tỉnh, thành đang tham quan mô hình này. Ông Dũng cho biết, than sinh học được tạo ra khi nhiệt phân các chất hữu cơ (trấu, rơm rạ, thân cây, lá cây, cùi ngô, mùn cưa, gỗ vụn…) ở nhiệt độ cao. Ngoài khả năng cung cấp nhiệt lượng, khi được sử dụng làm phân bón, than sinh học có thể cải thiện tính chất sinh hóa của đất, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật có lợi phát triển; tăng khả năng giữ dinh dưỡng và nước trong đất; cung cấp các nguyên tố có lợi cho quá trình phát triển và sinh trưởng của cây. Mặt khác, chúng còn làm tăng pH của đất; khử mùi và khử trùng tại các trang trại chăn nuôi; chống xói mòn cho đất...
Hệ thống sản xuất than sinh học của Công ty Cổ phần Năng lượng Resa. |
Ông Nguyễn Văn Xuân - Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Resa cho biết, trong quá trình nghiên cứu phương pháp xử lý rác thải, ông phát hiện nông dân thường đổ bỏ vỏ sầu riêng sau khi thu hoạch. Khi để trong tự nhiên, vỏ sầu riêng chậm phân hủy nên gây ô nhiễm môi trường. Ông nghĩ, nếu xử lý vỏ sầu riêng để chế biến thành than sinh học sẽ tận dụng được phụ phẩm này, vừa góp phần tăng thu nhập cho người dân, vừa bảo vệ môi trường. Hiện thực hóa ý tưởng đó, ông chế tạo một thiết bị tạm thời gồm một lò nhiệt phân đựng vỏ sầu riêng tươi (50 - 100kg) và một lò ngưng tụ hơi. Tất cả năng lượng cung cấp các thiết bị đều sử dụng năng lượng mặt trời. Sau một thời gian thử nghiệm, cuối cùng lò nhiệt phân cũng hoạt động tốt, cho ra nhiều loại sản phẩm. Đầu tiên, khi nhiệt độ lò đạt đến 150 - 190ºC sẽ tạo ra dung dịch giấm gỗ. Sau đó, lò sẽ tiếp tục gia nhiệt để tạo thành khí cháy. Sau khi khí cháy bị đốt hết, lò sẽ thu được than sinh học. Một mẻ nhiệt phân như vậy có thể thu được 25 lít giấm gỗ và 15 - 20kg than sinh học. Giấm gỗ có nhiều công dụng hữu ích như: Khử mùi chuồng trại, làm thuốc bảo vệ thực vật, diệt côn trùng…, 1 lít giấm gỗ có giá 100.000 - 150.000 đồng. Trong khi đó, than sinh học ngoài tác dụng như một loại phân bón cải tạo đất, nếu được nghiền ra pha trộn với phụ gia, ép thành viên, phơi khô có thể tạo thành than không khói, giàu năng lượng và không gây ô nhiễm môi trường. Nhiệt lượng khi đốt loại than này lên đến khoảng 600Kcal/kg, hiệu suất hơn loại than cám phổ thông (chỉ khoảng 500Kcal/kg). Than này hiện có giá bán 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Theo ông Xuân, quy trình này sẽ góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, tuần hoàn… Công ty sẵn sàng chia sẻ mô hình và hướng dẫn quy trình sản xuất cho người dân quan tâm đến việc chế tạo than sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp…
Ông NGUYỄN TẤN THÀNH - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ: Than sinh học đem lại nhiều lợi ích cho môi trường, cải tạo đất... Việc Công ty Cổ phần Năng lượng Resa thử nghiệm thành công than sinh học từ vỏ sầu riêng là một phương pháp hay để tận dụng nguồn vỏ sầu riêng nói riêng và các phụ phẩm nông nghiệp khác. Quy trình này còn khuyến khích nông dân tăng thu nhập, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đất sản xuất.
V.L
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin