15:07, 25/10/2023

Australia dùng nitơ lỏng để bảo tồn các loài thực vật bản địa

Các nhà khoa học sẽ đông lạnh các chồi cây trong nitơ lỏng để có thể bảo quản vô thời hạn trong phòng thí nghiệm, sau đó tái sinh bằng phương pháp nuôi cấy mô và đưa thực vật trở lại môi trường.

Các nhà khoa học Australia bảo quản thực vật bản địa bằng phương pháp đông lạnh
Các nhà khoa học Australia bảo quản thực vật bản địa bằng phương pháp đông lạnh

Các nhà khoa học thuộc Đại học Queensland (UQ), Australia đang xây dựng quy trình bảo quản mầm cây bằng phương pháp đông lạnh giống như phôi người, để bảo vệ các loài thực vật bản địa trước sự xâm hại của các loại nấm.

Hàng trăm loài cây họ Sim đang bị đe dọa trước sự lây lan nghiêm trọng của bệnh myrtle rust do nấm Austropuccinia psidii gây ra.

Chuyên gia Alice Hayward của Trung tâm Khoa học làm vườn thuộc UQ cho biết loại nấm này không chỉ ngăn cản quá trình sinh sản của cây mà còn gây khó khăn cho việc lưu trữ hạt giống theo tiêu chuẩn của ngân hàng thực vật.

Trong lúc chờ đợi việc tìm ra cách thức xử lý hữu hiệu đối với bệnh myrtle rust, các nhà khoa học dự định sẽ đông lạnh các chồi cây trong nitơ lỏng để có thể bảo quản vô thời hạn trong phòng thí nghiệm, sau đó tái sinh bằng phương pháp nuôi cấy mô và đưa thực vật trở lại môi trường tự nhiên.

Điều này sẽ giúp bảo vệ các loài cây bản địa trước nguy cơ tuyệt chủng, cũng như bảo tồn sự đa dạng sinh học của Australia.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, việc xây dựng quy trình bảo quản lạnh cho từng loài cây không hề đơn giản và đòi hỏi đầu tư nhiều công sức.

Mỗi bước của quy trình đều cần được tối ưu hóa để đảm bảo sự sống sót của đầu chồi, bao gồm hệ thống nuôi cấy cung cấp dinh dưỡng cho mô, điều kiện môi trường chuẩn xác để mô tồn tại cũng như cách thức khử nước trong mô trước khi đông lạnh chồi trong nitơ lỏng.

Trước mắt, nhóm nghiên cứu sẽ phối hợp với Vườn Bách thảo Sydney để đưa ra quy trình bảo quản đông lạnh cho 6 loài.

Sau khi thiết lập được quy trình, các loài này sẽ được lưu giữ trong các bể bảo quản lạnh của Ngân hàng thực vật Australia.

Theo TTXVN