Kết quả kinh doanh ghi nhận thị trường máy tính toàn cầu tiếp tục suy giảm, nhưng đà giảm đã chậm lại và bắt đầu có những tín hiệu cho thấy sự phục hồi - nhất là khi giai đoạn mua sắm phục vụ năm học mới đang tới gần.
Xu hướng mua sắm phục vụ mùa tựu trường được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc kinh doanh máy tính những tháng tới. |
Theo số liệu của hãng phân tích thị trường Canalys, lượng máy tính cá nhân (bao gồm cả máy tính để bàn và máy tính xách tay) tiêu thụ trong quý II-2023 đạt 62,1 triệu máy, thấp hơn 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, lượng máy tính xách tay bán ra giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 49,4 triệu chiếc. Máy tính để bàn giảm 19,3%, đạt 12,6 triệu chiếc tới tay khách hàng.
Xét về từng thương hiệu, Lenovo vẫn đứng đầu về thị phần, trong khi ASUS đã biến mất khỏi bảng xếp hạng 5 nhà sản xuất lớn nhất. Hãng máy tính Trung Quốc đã bán được 14,2 triệu máy trong quý vừa qua (tương đương 22,9% thị phần toàn cầu). Dù vậy, con số này thấp hơn tới 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về phần mình, hai thương hiệu Mỹ là HP và Dell lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba, với 13,4 triệu máy và 10,3 triệu máy bán ra (tương ứng 21,6% và 16,6% thị phần). Tuy nhiên, trong khi HP duy trì được phong độ với doanh số quý chỉ suy giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức lao dốc của Dell lên tới 21,9%.
Apple – vốn chỉ kinh doanh máy tính Mac khiêm tốn với 6,8 triệu máy bán ra, tương đương 11% thị phần. Đây là nhà sản xuất có tốc độ tăng trưởng “khủng” nhất, khi doanh số quý II-2023 cao hơn tới 50% so với cùng kỳ năm 2022. Việc tung ra chiếc Macbook Air 15 inch hoàn toàn mới, kết hợp với chuỗi cung ứng vận hành hoàn hảo so với quý II-2022 – thời điểm Covid-19 hoành hành ở Trung Quốc – đã khiến doanh số máy tính Táo thực sự “bùng nổ”.
Acer là cái tên chốt lại danh sách lần này, với gần 4 triệu máy bán ra, tương đương 6,4% thị phần, suy giảm 21,6% so với năm ngoái.Thị trường máy tính Việt Nam không nằm ngoài bức tranh chung toàn cầu. Nhà phân phối sản phẩm ASUS tại Việt Nam cho biết tình hình kinh doanh trong quý vừa qua tuy có khởi sắc so với ba tháng đầu năm, nhưng vẫn khó khăn. Trong khi đó, theo nguồn tin từ chuỗi kinh doanh máy tính An Phát, doanh số quý II-2023 của hệ thống này chỉ đạt khoảng 70% so với mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, nhìn về phía trước, các ý kiến đều cho rằng sau hai quý liên tiếp suy giảm trên 30% doanh số, thị trường máy tính toàn cầu đã có tín hiệu bước vào giai đoạn hồi phục.
Nhiều yếu tố kìm hãm việc kinh doanh máy tính cá nhân đã dần được gỡ bỏ, trong khi mùa tựu trường, đầu tư công gia tăng, cũng như các tổ chức, doanh nghiệp tái đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin... được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá. Một số hãng máy tính cũng cho biết, tỉ lệ thiết bị kích hoạt để đưa vào sử dụng cao hơn so với lượng bán ra còn cho thấy nhu cầu từ phía người dùng đơn lẻ đang có xu hướng phục hồi.
Vì thế, quý III tới đây được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự phục hồi ấn tượng hơn của thị trường máy tính cá nhân, tạo đà cho việc “chốt sổ” quý IV, để toàn năm 2023 ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất có thể.
Dù vậy, các dự báo cũng cho rằng tổng doanh số máy tính tiêu thụ trong năm 2023 khó vượt qua con số của năm 2022, trong bối cảnh mặt bằng chung tâm lý chi tiêu vẫn thận trọng thời hậu đại dịch Covid-19.
Theo hanoimoi.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin