08:10, 22/07/2023

Cài áo tích hợp AI tham vọng thay đổi thế giới smartphone

Thiết bị của Humane được tích hợp rất nhiều cảm biến, hệ thống chiếu laser, camera góc rộng với tính năng ổn định hình ảnh quang học, cảm biến độ sâu cùng một số cảm biến khác.

Điện thoại thông minh (smartphone) gần như luôn duy trì kiểu màn hình chữ nhật kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường cho đến nay.

 

Nhưng Công ty Khởi nghiệp Humane ở San Francisco (Mỹ) đang phát triển một chiếc pin cài áo tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) với tham vọng thay đổi thế giới điện thoại di động.

Đây là một thiết bị điện tử đeo được (wearable), không có màn hình, sử dụng tia laser năng lượng thấp để chiếu thông tin ra bên ngoài môi trường của người đeo. Người dùng không cần bất cứ thiết bị tai nghe tích hợp thực tế ảo/thực tế tăng cường (AR/VR) nào đi kèm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dù Humane đã có màn ra mắt rất ấn tượng, việc sử dụng chiếc pin AI này trong thực tế sẽ không mấy thuận lợi. Và giấc mơ đưa thiết bị này thay thế smartphone truyền thống của Humane là khá xa vời.

Những trình diễn thử nghiệm đầu tiên

Mặc dù Humane chỉ mới giới thiệu thiết bị mới trong một bài đăng trên blog chính thức vào ngày 30/6, nhưng sản phẩm có tên Humane Ai Pin này đã được trình diễn thử lần đầu tiên vào ngày 9/5 tại buổi thuyết trình TED Talk của ông Imran Chaudhri, nhà sáng lập Humane, người trước đây từng là nhà thiết kế của Apple.

Theo hồ sơ bằng sáng chế, thiết bị của Humane được tích hợp rất nhiều cảm biến, hệ thống chiếu laser, camera góc rộng với tính năng ổn định hình ảnh quang học, cảm biến độ sâu cùng một số cảm biến khác, trình theo dõi GPS, bộ vi xử lý và micro. Phần cứng của thiết bị cũng được kết nối với một nền tảng điện toán đám mây.

Thiết bị có thể phát hiện mọi thứ xung quanh người dùng để giúp họ hình dung bối cảnh xung quanh, lưu trữ và sắp xếp những gì đang diễn ra trong thế giới bên ngoài. Người dùng có thể sử dụng các lệnh bằng giọng nói, cử chỉ và điều khiển cảm ứng để truy cập thông tin do AI tổng hợp và được trình chiếu bằng tia laser.

Hồ sơ bằng sáng chế có minh họa cách thiết bị chiếu các bộ điều khiển nhiệt độ trong nhà lên lòng bàn tay của người dùng. Hay khi có người gọi đến, thiết bị sẽ chiếu tên người gọi cùng hai nút bấm nhận-hủy cuộc gọi theo cách tương tự.

Humane cũng mô tả cách thiết bị có thể hướng dẫn người dùng kiểm tra dầu trong ôtô của họ bằng cách chiếu các hướng dẫn ngay trên chính động cơ.

Các hạn chế dễ nhận thấy

Smartphone không mất nhiều thời gian để trở nên phổ biến sau khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt vào năm 2007. Hàng tỷ người trên thế giới đang sử dụng smartphone cho các tác vụ hằng ngày như nhắn tin, gọi điện, tìm đường, phát nhạc, xem phim, chụp ảnh...

Tuy nhiên, khi thị trường ngày một bão hòa, các hãng sản xuất smartphone và ngay cả bản thân Apple cũng đang tìm kiếm phát triển thiết bị đời tiếp theo có thể thay thế smartphone.

Nhưng sản phẩm của Humane - dù tham vọng đến đâu, cũng chưa phải là thiết bị đó.

Mọi người thích smartphone vì chúng có màn hình, cho phép họ xem mọi thứ họ muốn. Song màn hình chính trên Humane Ai Pin chỉ là một tia laser được chiếu trên tay người dùng, chỉ có thể hiển thị một vài dòng văn bản và phím bấm.

Với màn hình laser chiếu lên lòng bàn tay như vậy, người dùng không thể lướt TikTok, Facebook, Reddit, Twitter hay bất cứ nền tảng truyền thông xã hội nào. Họ thậm chí không thể lướt web, đọc email hoặc tìm kiếm thứ gì đó trên Google.Humane đang cố gắng thuyết phục người dùng chuyển từ những smartphone truyền thống có màn hình sang một thiết bị có giao diện hạn chế đến khó tin. Điều này sẽ rất khó thành hiện thực.
 

Hình ảnh về Humane Ai Pin khi sử dụng trên tay

Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ, smartphone không chỉ là một chiếc điện thoại, một máy tính bỏ túi mà còn là một chiếc máy ảnh. Đối với hàng triệu người, đó là chiếc máy ảnh duy nhất của họ.

Nếu Humane muốn thuyết phục người dùng chuyển từ smartphone sang Ai Pin, công ty cũng cần thuyết phục người dùng mua máy ảnh và bảo đảm rằng họ có máy tính để đồng bộ hóa dữ liệu. Điều đó đồng nghĩa người dùng muốn đổi sang một thiết bị mới sẽ phải mua thêm hai thiết bị khác - một lựa chọn quá tốn kém.

Chính Apple đã tạo ra chiếc đồng hồ đeo tay iWatch có thể làm được nhiều việc mà Ai Pin làm được. Nó có thể thực hiện các cuộc gọi điện thoại, có thể gửi tin nhắn và có trợ lý giọng nói. Hơn thế nữa, nó còn có thể theo dõi sức khỏe, ghi lại nhịp tim, lượng oxy trong máu và nhiệt độ cơ thể của người dùng. Nó thậm chí có thể đo điện tâm đồ và tư thế của người đeo. Đây đều là những điều mà Humane Ai Pin chưa thể thực hiện.

Vấn đề về quyền riêng tư và khả năng tiếp cận

Là cựu nhân viên của Apple, tưởng chừng các nhà lãnh đạo của Humane sẽ đưa ra cách tiếp cận rõ ràng về khả năng hỗ trợ người dùng bị khuyết tật và quyền riêng tư dữ liệu. Đây được coi là hai triết lý cốt lõi ảnh hưởng tới các quy trình ra quyết định của Apple.

Nhưng từ những gì được trình diễn, Humane không đả động gì tới các yếu tố này.

Humane không cân nhắc tới việc làm cách nào để người dùng tương tác với sản phẩm nếu họ bị câm hay nói ngọng, nói lắp. Và làm thế nào để người dùng nghe câu trả lời của trợ lý ảo nếu họ khiếm thính? Hay họ làm sao kết nối tai nghe hoặc máy trợ thính với một thiết bị không có màn hình? Với những người da quá sáng màu hoặc trong điều kiện ánh sáng chói, làm sao họ có thể thấy rõ những gì tia laser trình chiếu?

Đối với vấn đề quyền riêng tư, Humane không nêu rõ thiết bị của họ liệu có thể ngừng quét môi trường xung quanh theo mong muốn người dùng hay không. Trong một số trường hợp nhạy cảm, làm sao những người khác có thể tin tưởng một người dùng thiết bị Humane không thu thập dữ liệu từ họ một cách trái phép?

Nhìn chung, hầu hết mọi chi tiết về chiếc ghim cài AI này dường như chưa được cân nhắc kỹ lưỡng. Điều đó không có nghĩa Humane sẽ không cải thiện những vấn đề này trên các phiên bản tương lai.

Xu hướng sử dụng công cụ bỏ túi tích hợp AI đúng là đang dần phổ biến hơn. Nhưng xét về mặt thực tế, Humane sẽ còn một chặng đường dài để hoàn thiện sản phẩm này hơn trước khi nó có thể được thị trường đại chúng cân nhắc.

Theo nhandan.vn