23:03, 07/05/2023

Liều vaccine tăng cường kéo dài hiệu quả ngừa biến thể Omicron

Sau 9 tháng kể từ khi tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường, hiệu quả ngăn lây nhiễm là dưới 30%, trong khi khả năng ngăn các triệu chứng bệnh chỉ còn khoảng 13%.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí JAMA Network Open (Mỹ), hiệu quả của các vaccine phòng COVID-19 giảm theo thời gian trong ngăn ngừa nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 cũng như các triệu chứng bệnh.

 

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

 

Nghiên cứu này đánh giá và phân tích tổng hợp dữ liệu thu thập được từ 40 cuộc nghiên cứu, cho thấy sau 6 tháng kể từ khi hoàn thành các liều tiêm cơ bản, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa nhiễm Omicron và xuất hiện triệu chứng giảm xuống dưới 20%.

Sau 9 tháng kể từ khi tiêm mũi vaccine tăng cường, hiệu quả ngăn lây nhiễm là dưới 30%, trong khi khả năng ngăn các triệu chứng bệnh chỉ còn khoảng 13%.

Cũng theo nghiên cứu nói trên, so với biến thể Delta, hiệu quả của các vaccine trên đối với biến thể Omicron giảm rõ rệt và nhanh hơn.

Theo bác sỹ John Brownstein, chuyên gia dịch tễ học thuộc Bệnh viện Nhi Boston, kết quả trên không gây ngạc nhiên vì các nhà nghiên cứu đã biết về việc hiệu quả vaccine suy giảm theo thời gian.

Bác sỹ Brownstein cho rằng không nên hiểu kết quả nghiên cứu đồng nghĩa với việc phủ nhận hiệu quả của vaccine, thay vào đó nghiên cứu cho thấy vẫn cần tiêm chủng để duy trì sự bảo vệ theo thời gian.

Trước đó, ngày 9/1, nhóm nhà nghiên cứu Israel cho biết liều tiêm tăng cường bằng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 và biến thể Omicron do 2 hãng Pfizer và BioNTech hợp tác bào chế để đã giúp giảm mạnh tỷ lệ nhập viện ở những bệnh nhân cao tuổi.

Đây là một trong số những bằng chứng đầu tiên chứng tỏ hiệu quả của mũi vaccine này trên thực tế.

Nghiên cứu do nhóm nhà khoa học của công ty cung cấp dịch vụ y tế Clalit, Đại học Ben-Gurion của Negev và Cao đẳng Sapir tiến hành từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 12/2022.

Tham gia nghiên cứu có 622.701 người trên 65 tuổi đủ điều kiện để tiêm liều tăng cường vaccine COVID-19 thể lưỡng trị nói trên, trong đó 85.314 người (14%) đã được tiêm mũi vaccine này.

Kết quả cho thấy tỷ lệ nhập viện ở những bệnh nhân trên 65 tuổi đã được tiêm liều vaccine tăng cường giảm 81% so với những người đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, nhưng chưa được tiêm vaccine thể lưỡng trị.

Theo vnanet.vn