Gần dân, hiểu dân, cố gắng làm được nhiều việc có ích cho nhân dân, đó vừa là trách nhiệm, cũng là tâm huyết của bà Cao Thị Hồng Mận - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn. Làm công tác Mặt trận ở một xã xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện miền núi Khánh Sơn, ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác, ở bà còn có sự nhiệt huyết, gần gũi với người dân để nghe dân nói, làm dân tin và được dân mến…
Những mô hình thiết thực
Đến xã Thành Sơn, chúng tôi được nghe câu chuyện về “Tủ gạo đoàn kết” được đặt ở sân trụ sở UBND xã. Mô hình này do UBMTTQ Việt Nam xã thực hiện từ sáng kiến của bà Cao Thị Hồng Mận, nhằm hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng là người già, người bị bệnh hiểm nghèo, mất sức lao động... trên địa bàn xã. Gia đình ông Cao Là Mâng A (thôn A pa 2) có 5 khẩu, trong đó vợ chồng ông đã ngoài 80 tuổi, người em vợ thuộc đối tượng người khuyết tật, hai người con đã ngoài 50 tuổi mất sức lao động do bệnh tật, đau ốm thường xuyên. Cuộc sống của gia đình ông chủ yếu nhờ nguồn trợ cấp nên rất khó khăn. Từ tháng 6-2023 đến nay, nhờ có mô hình “Tủ gạo đoàn kết” nên gia đình ông được quan tâm hỗ trợ gạo tương đối thường xuyên, mỗi lần từ 10kg đến 20kg, giúp gia đình qua cảnh thiếu đói.
Bà Cao Thị Hồng Mận (giữa) trao quà hỗ trợ cho một hộ dân xã Thành Sơn. |
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, tủ gạo đã hỗ trợ gần 100 lượt hộ dân, với 2.000kg gạo. Nguồn gạo do lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam xã vận động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã, chủ yếu là các cửa hàng bán lương thực, chủ các quầy tạp hóa trong xã. Mô hình đã góp phần hỗ trợ người dân trong xã vượt qua những thời điểm khó khăn, túng thiếu trong cuộc sống.
Vào tháng 3 năm nay, UBMTTQ Việt Nam xã triển khai mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, thí điểm đầu tiên ở thôn A pa 2. Ngay sau khi ra mắt mô hình, đã có 230 hộ dân ký bản cam kết thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường với những nội dung cụ thể, rõ ràng. Hiện nay, đã có 60/230 hộ dân xây dựng được khu nhà vệ sinh của gia đình theo đúng tiêu chuẩn và phấn đấu 100% hộ dân thôn A pa 2 có nhà vệ sinh vào cuối năm 2024. “Qua sự vận động của bà Cao Thị Hồng Mận, gia đình tôi đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường; chính vì thế tôi đã ký cam kết bảo vệ môi trường. Từ khi tham gia mô hình, bản thân tôi cũng nhắc nhở các thành viên trong gia đình nghiêm túc thực hiện các quy định để cùng nhau giữ môi trường sạch đẹp. Ý thức của người dân trong thôn về bảo vệ môi trường cũng được nâng cao. Chúng tôi đã có những buổi lao động chung để dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, kênh mương vào những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ,” ông Cao Long (thôn A pa 2) cho biết.
Phát huy vai trò cán bộ Mặt trận
Qua 6 năm làm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Thành Sơn, điều thôi thúc bà Cao Thị Hồng Mận chính là niềm mong muốn làm được những điều thiết thực nhằm cải thiện đời sống, nâng cao nhận thức cho người dân trong xã. Vậy nên, sau thành công với 2 mô hình nêu trên, thời gian tới, bà Mận muốn mở rộng, thực hiện thêm các mô hình trên địa bàn toàn xã. Ngoài ra, dự định năm 2025, UBMTTQ Việt Nam xã sẽ thực hiện tiếp mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân bằng cách cung cấp cây giống, con giống phù hợp với điều kiện của từng đối tượng được thụ hưởng. “Sở dĩ chúng tôi muốn thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân bởi qua việc thí điểm hỗ trợ cho bà Cao Thị Thính (thôn A pa 1) một con bò nuôi sinh sản trị giá 20 triệu đồng, cùng 15 cây sầu riêng giống đã rất thành công. Đến nay, giá trị của con bò đã tăng lên nhiều lần, vườn sầu riêng cũng cho những tín hiệu tích cực. Điều đó đã gợi mở trong chúng tôi mong muốn được hỗ trợ hộ nghèo có thể thoát nghèo một cách bền vững từ những sinh kế mình trao cho họ”, bà Mận chia sẻ.
Thành Sơn là xã xa nhất của huyện Khánh Sơn, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có 848 hộ, trong đó gần 90% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Raglai. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã gần 58%, số hộ cận nghèo hơn 10%. Thời gian qua, bà Cao Thị Hồng Mận thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hạn chế tình trạng tranh chấp đất đai, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Bà cùng các thành viên Ban công tác Mặt trận thôn kêu gọi, vận động tổ chức, cá nhân giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn, có người thân qua đời, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn giao thông...
Với những nỗ lực của bản thân, bà Cao Thị Hồng Mận đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành, trong đó có bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2024.
Ông Mấu Anh Tuyên - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn: Trong quá trình công tác, bà Cao Thị Hồng Mận luôn phát huy vai trò của bản thân để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; thường xuyên nắm bắt tình hình, dư luận xã hội, lắng nghe ý kiến nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Chính vì thế, bà luôn nhận được sự tin tưởng, quý mến của mọi người.
GIANG ĐÌNH - VĨNH THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin