Góc ảnh
14:26, 09/04/2024

Khai mạc lễ hội Am Chúa năm 2024

GIANG ĐÌNH

Sáng 9-4 (nhằm ngày 1-3 Âm lịch), tại khu di tích quốc gia Am Chúa, tọa lạc trên núi Đại An (xã Diên Điền), UBND huyện Diên Khánh tổ chức khai mạc lễ hội Am Chúa năm 2024. Đến dự, có các ông: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa; Nguyễn Văn Ghi - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa; bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa; bà Trần Thu Mai - Phó Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa; cùng lãnh đạo một số sở, ngành, huyện Diên Khánh và đông đảo người dân, khách hành hương thập phương.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến tham dự khai mạc lễ hội Am Chúa.
Các vị lãnh đạo tỉnh đến tham dự khai mạc lễ hội Am Chúa.
Các vị lãnh đạo tỉnh dâng hương lên Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Các vị lãnh đạo tỉnh dâng hương lên Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Theo ông Lương Duy Hinh - Trưởng Ban quản lý di tích Am Chúa, lễ hội Am Chúa năm nay diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11-4 (tức từ ngày 1 đến ngày 3-3 Âm lịch), với các nghi lễ truyền thống như: Lễ tế cổ truyền; lễ dâng hương và biểu diễn hát văn, múa bóng của các đoàn hành hương ở trong và ngoài tỉnh. Ban tổ chức lễ hội đã nhận được sự đăng ký tham gia của 104 đoàn khách hành hương ở trong và ngoài tỉnh, với khoảng hơn 3.500 người đến thực hành các nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ông Nguyễn Văn Gẩm - Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh đánh trống khai mạc lễ hội Am Chúa.
Ông Nguyễn Văn Gẩm - Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh đánh trống khai mạc lễ hội Am Chúa.

Còn ông Phan Văn Thuần - Chủ tịch UBND xã Diên Điền cho biết, ngoài số lượng khách hành hương đã đăng ký với ban tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương còn dự kiến có khoảng hơn 11.000 lượt người dân, du khách cũng đến tham gia lễ hội. Để đảm bảo an ninh, an toàn, địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng trộm cắp, cướp giật, gây rối; không để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông, tăng cường công tác phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, địa phương đã yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn xã phải ký cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; ban tổ chức lễ hội cũng không bố trí cho các đoàn hành hương ăn uống trong khuôn viên di tích.

Người dân thành kính gửi lời nguyện cầu về những điều tốt đẹp lên Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Người dân thành kính gửi lời nguyện cầu về những điều tốt đẹp lên Thiên Y A Na Thánh Mẫu.

Lễ hội Am Chúa là một lễ hội truyền thống của người dân trên địa bàn tỉnh, cũng như các tỉnh, thành khác trong nước. Mỗi lần lễ hội Am Chúa diễn ra như là sự báo hiệu cho mọi người về mùa lễ Mẫu tháng ba, để thu xếp được về bên Mẫu, dâng lên cho Mẫu những lễ vật giản dị, tấm lòng thành kính. “Suốt mấy chục năm nay, năm nào tôi và các thành viên trong đoàn Linh Điện Trung Thiên đều về tham dự lễ hội Am Chúa. Đứng trước Thiên Y A Na Thánh Mẫu, chúng tôi thầm nguyện cầu về những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản thân, gia đình và tất cả mọi người. Cái được lớn nhất của những người đi theo tín ngưỡng thờ Mẫu như tôi chính là có được những suy nghĩ, hành động lương thiện, tốt đẹp”, bà Cao Thị Niềm (đoàn hành hương Linh Điện Trung Thiên, TP. Đà Nẵng) cho biết.

Các vị bô lão của xã Diên Điền thực hiện lễ tế cổ truyền.
Các vị bô lão của xã Diên Điền thực hiện lễ tế cổ truyền.
Biểu diễn múa lân trong lễ hội Am Chúa.
Biểu diễn múa lân trong lễ hội Am Chúa.
Các đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong những bộ trang phục đẹp mắt chuẩn bị vào lễ Mẫu.
Các đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong những bộ trang phục đẹp mắt chuẩn bị vào lễ Mẫu.

Chia sẻ với các đại biểu và đông đảo nhân dân tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Kim Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, di tích Am Chúa gắn liền với truyền thuyết Thiên Y A Na đã in sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Trong chiến tranh, di tích Am Chúa từng bị tàn phá nặng nề, còn lễ hội Am Chúa chính thức được phục hồi từ năm 1987. Năm 1999, di tích Am Chúa được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích cấp quốc gia. Trong suốt những năm qua, được sự góp sức của người dân, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành nên di tích Am Chúa có được diện mạo như ngày hôm nay. Lễ hội Am Chúa cũng ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân, khách hành hương, du khách ở trong và ngoài tỉnh về tham dự.  

Các đoàn khách hành hương xếp hàng chờ đợi đến lượt để vào lễ Mẫu.
Các đoàn khách hành hương xếp hàng chờ đợi đến lượt để vào lễ Mẫu.
Một đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đang chuẩn bị để vào làm lễ.
Một đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đang chuẩn bị để vào làm lễ.
Người dân kiên trì chờ đợi để được vào dâng hương lễ Mẫu.
Người dân kiên trì chờ đợi để được vào dâng hương lễ Mẫu.
Lối vào khu di tích Am Chúa được trang trí đẹp mắt.
Lối vào khu di tích Am Chúa được trang trí đẹp mắt.

Trong tâm thức, tín ngưỡng của người dân Việt Nam, hình tượng Thiên Y A Na đã ăn sâu vào trong tiềm thức và có sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Việt - Chăm. Qua đó, tôn vinh vai trò của người Mẹ xứ sở, Mẹ đất, Mẹ lúa trong phong tục thờ Mẫu. Đến với lễ hội Am Chúa, thêm một lần chúng ta được ôn lại truyền thuyết về Mẫu Thiên Y A Na đã giúp dân biết cày cấy, dệt vải, chăm lo cuộc sống của mọi người, đoàn kết đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại cuộc sống bình yên và no đủ cho người dân. Điều này, vừa thể hiện thuần phong mỹ tục của dân tộc vừa ca ngợi truyền thống của người Mẹ xứ sở.

GIANG ĐÌNH

 


Ý kiến bạn đọc