Tối 17-11, tại sân khấu Quảng trường 20-11 (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn), UBND huyện Khánh Sơn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm 63 năm Ngày giải phóng huyện Khánh Sơn (20-11-1960 - 20-11-2023); đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và trưng bày bộ Đàn đá Khánh Sơn.
Chương trình văn nghệ mang màu sắc văn hóa truyền thống được các ca sĩ, diễn viên của Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng mang đến cho khán giả huyện Khánh Sơn. |
Trong thời gian gần 90 phút, các ca sĩ, diễn viên múa của Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng; Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa; đội văn nghệ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn đã gửi tới đông đảo đồng bào các dân tộc những tiết mục ý nghĩa, sôi nổi, mang màu sắc văn hóa truyền thống như: Đàn ơi hát cùng ta; Rừng xanh vang tiếng Ta lư; Ngọn lửa trái tim; Đá Trường Sa; Cô gái Khánh Sơn; Hương rừng Raglai; Bập bùng đêm hội Raglai; Chuyện nàng Ponagar; Thênh thang đường mới; Khánh Hòa ngày mới…
Nghệ nhân Tro Ngọc Minh (đội văn nghệ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn) biểu diễn tiết mục độc tấu đàn đá Rừng xanh vang tiếng Ta Lư. |
Tiết mục Đá Trường Sa do các ca sĩ đến từ Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa biểu diễn. |
Cũng trong chương trình, đông đảo công chúng còn có dịp được trực tiếp xem những thông tin, hình ảnh và đặc biệt là hai bộ đàn đá hiện vật gốc được gia đình ông Bo Bo Ren phát hiện tại khu vực thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp ngày nay) và trao tặng lại cho chính quyền từ hơn 40 năm trước. Sau bao nhiêu năm rời xa núi rừng Khánh Sơn, hai bộ đàn đá có tuổi đời hàng nghìn năm, lần đầu tiên được quay trở về nơi phát hiện để người dân chiêm ngưỡng.
Hình ảnh hai bộ đàn đá cổ được giới thiệu trở lại với đồng bào huyện Khánh Sơn. |
Việc hai bộ đàn đá cổ được mang trở lại giới thiệu với nhân dân huyện Khánh Sơn đã đáp ứng nguyện vọng của đồng bào Raglai trên địa bàn huyện được tận mắt nhìn thấy hai bộ đàn đá huyền thoại. Đối với người Raglai ở Khánh Sơn, bộ đàn đá luôn gắn bó, hiện diện trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất từ bao đời nay; đàn đá còn được đồng bào xem như báu vật của núi rừng, hiện thân của tiếng cha ông ngàn năm vọng lại. Bên cạnh đó, sự hiện diện của hai bộ đàn đá cổ là dịp khơi dậy niềm đam mê nhạc cụ truyền thống trong thế hệ trẻ, từng bước đưa đàn đã trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống để tiếng đàn đá Khánh Sơn ngày càng vang xa, bay cao giữa đại ngàn và trong lòng người.
Tiết mục Hương rừng Raglai. |
Tiết mục Bập bùng đêm hội Raglai do đội văn nghệ thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn biểu diễn. |
Tốp ca nữ của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa gửi tới khán giả tiết mục Chuyện nàng Ponagar. |
Các nghệ nhân đội mã la đến từ huyện Khánh Vĩnh cũng tham gia biểu diễn trong chương trình. |
Chương trình văn nghệ đã đem lại cho đông đảo khán giả huyện Khánh Sơn những giây phút thưởng thức sôi động, ý nghĩa. |
N.TÂM - B.LA
Ý kiến bạn đọc