08:10, 13/10/2017

Xuyên rừng chinh phục nóc nhà cao nguyên Lâm Viên

Đỉnh Bidoup - nóc nhà của cao nguyên Lâm Viên đang là cung trekking (hoạt động giải trí ngoài trời hay dã ngoại) thu hút rất đông những bạn trẻ đam mê khám phá Lâm Đồng.

Đỉnh Bidoup - nóc nhà của cao nguyên Lâm Viên đang là cung trekking (hoạt động giải trí ngoài trời hay dã ngoại) thu hút rất đông những bạn trẻ đam mê khám phá Lâm Đồng.


Nằm ở độ cao 2.287m, đỉnh Bidoup trực thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà rộng hơn 64.000ha, là 1 trong 28 vườn quốc gia nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của nước ta, đặc biệt là 1 trong 4 trung tâm đa dạng sinh học nhất Việt Nam.

 

Ngày nay, Bidoup - Núi Bà cách trung tâm TP. Đà Lạt 50km, tính theo Tỉnh lộ 723 nối cao nguyên Lâm Viên với thành phố biển Nha Trang. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là nơi có nguồn tài nguyên sinh học đa dạng phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hội tụ các kiểu rừng kín thường xanh, rừng thưa cây lá kim, rừng hỗn giao lá rộng và lá kim á nhiệt đới, rừng lùn đỉnh núi, kiểu phụ rừng rêu…


Bạn sẽ mất 2 ngày 1 đêm cho hành trình chinh phục đỉnh Bidoup với quãng đường trải dài 27km. Có hai hướng leo chính: một từ Trạm kiểm lâm Bidoup, hai xuất phát từ trạm KLong KLanh trên đèo Hòn Giao (hay còn gọi là đèo Khánh Lê, Long Lanh, đèo Omega). Nếu chọn hướng xuất phát từ trạm kiểm lâm, ngày một của hành trình sẽ kéo dài 17km và đi qua lần lượt vùng ngoài, vùng đệm và vùng lõi rừng quốc gia, có đặc trưng kiểu rừng là rừng thông lá kim, rừng hỗn giao lá rộng và lá kim á nhiệt đới. Đây là tuyến trekking xuyên qua khu rừng thông đẹp bậc nhất nước ta, với màu xanh của thông mướt mắt. Bãi cắm trại đêm ngày thứ nhất nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, nơi giao thoa hai kiểu rừng và cách đỉnh Bidoup 3km.

 

 

Ngày hai sẽ bao gồm quãng đường 3km lên đỉnh và 7km hạ độ cao xuống trạm KLong KLanh. Địa hình nơi đây có đặc trưng kiểu rừng kín thường xanh, kết hợp kiểu rừng lùn đỉnh núi, kiểu phụ rừng rêu… Sự đa dạng sinh học được thể hiện rõ nhất ở quãng đường 10km này. Có 1.468 loài thực vật có mặt ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, trong đó 62 loài quý hiếm phân bố trong 29 họ thực vật khác nhau, đặc biệt quý giá nhất chính là cây Pơ mu cổ hơn 1.300 năm tuổi.


Cột mốc đánh dấu độ cao 2.287m của đỉnh Bidoup. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà là một ngôi rừng nguyên sinh hiếm có ở Việt Nam, được bảo tồn hết sức nghiêm ngặt, đặc biệt gần như không có rác. Chính vì vậy, bạn phải liên hệ trước với Ban quản lý rừng để mua tour khám phá, dưới sự hướng dẫn của các kiểm lâm kiêm porter chuyên nghiệp.


Đ.V (Tổng hợp)