Những năm qua, du lịch Khánh Hòa đã có sự tăng trưởng liên tục, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, những yếu tố mới nảy sinh trong quá trình phát triển đã tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của du lịch Khánh Hòa. Trong đó, vấn đề liên kết của Khánh Hòa với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chưa đạt kết quả như mong muốn.
Những năm qua, du lịch Khánh Hòa đã có sự tăng trưởng liên tục, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, những yếu tố mới nảy sinh trong quá trình phát triển đã tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của du lịch Khánh Hòa. Trong đó, vấn đề liên kết của Khánh Hòa với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chưa đạt kết quả như mong muốn.
Thực tế cho thấy, ngành Du lịch Khánh Hòa chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của liên kết du lịch, chưa thực hiện liên kết vùng trong phát triển du lịch một cách hiệu quả để có được cơ hội: Thứ nhất, có thể giảm nguy cơ tình trạng phát triển nóng, thiếu sự kiểm soát đối với thị trường khách Trung Quốc và Nga, sự sụt giảm của thị trường khách Tây Âu và Bắc Mỹ trong cơ cấu khách quốc tế đến Khánh Hòa. Thứ hai, giảm được nguy cơ tác động của du lịch “đại chúng” gây nên tình trạng quá tải hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông tại Nha Trang, gây nên tình trạng suy thoái về môi trường và gây bức xúc trong cộng đồng địa phương đối với hoạt động du lịch do sức chịu đã tới hạn. Thứ ba, làm tăng hình ảnh cũng như thương hiệu điểm đến Khánh Hòa với vai trò là 1 trong 2 trung tâm du lịch vùng, qua đó có thêm cơ hội đón các dòng khách đến vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thông qua “cửa đến” Khánh Hòa và phát triển các dịch vụ du lịch… Đến nay, nhìn chung hoạt động liên kết của Khánh Hòa với một số địa phương trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ còn mang nặng tính cam kết về hình thức mà chưa có được một kế hoạch với mục tiêu và lộ trình thực hiện cụ thể. Hiệu quả của liên kết thể hiện trong sự phát triển du lịch vùng chưa rõ và chưa đạt như kỳ vọng.
Theo tôi, thời gian tới, Khánh Hòa và các tỉnh trong khu vực cần đẩy mạnh việc liên kết du lịch. Để làm được điều này, Chính phủ cần hỗ trợ Khánh Hòa nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là cảng hàng không quốc tế, các điểm du lịch và hệ thống giao thông kết nối các điểm đến du lịch cấp quốc gia trong khu vực.
Về bản chất, liên kết du lịch nói chung và liên kết phát triển sản phẩm du lịch nói riêng là liên kết hướng đến mục tiêu kinh tế, vì vậy, nòng cốt của liên kết Khánh Hòa với phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phải là các doanh nghiệp du lịch (đại diện là Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) và các địa phương trong vùng. Tuy nhiên, phải có sự cam kết liên kết giữa chính quyền Khánh Hòa và các địa phương trong vùng bởi chính họ là người tạo cơ chế chính sách, môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động liên kết phát triển du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Trong việc liên kết, cần xác định rõ chức năng riêng dựa trên lợi thế so sánh về du lịch của Khánh Hòa nói riêng và của từng địa phương trong không gian liên kết vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với tư cách là điểm đến du lịch chung. Đây chính là cơ sở để có được những “phân công” hợp lý giữa Khánh Hòa với các địa phương trong vùng liên kết, nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế đặc thù của Khánh Hòa và từng địa phương nhằm tạo nguồn lực tốt nhất cho chiến lược phát triển chung của vùng, hạn chế được tính trùng lặp về chức năng trong phát triển. Để thực hiện được yêu cầu này nhất thiết phải có đề án, phương án với những nội dung liên kết cụ thể trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Cần có chương trình hành động cụ thể và lộ trình rõ ràng để thực hiện liên kết du lịch Khánh Hòa với phát triển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với sự ủng hộ và hỗ trợ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mà trực tiếp là Tổng cục Du lịch.
TS. TRẦN DU LỊCH