Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất khu vực ASEAN. Với hơn 78 triệu người dùng internet và tỷ lệ sử dụng mạng xã hội đạt 73,3% dân số, Việt Nam sở hữu môi trường lý tưởng để thúc đẩy hệ sinh thái số và công nghệ du lịch phát triển mạnh mẽ.
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đưa hệ thống thuyết minh tự động vào phục vụ du khách. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN |
Du lịch ứng dụng công nghệ
Theo các chuyên gia, những sáng kiến chuyển đổi số do Chính phủ, cùng cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành Việt đã triển khai như áp dụng công nghệ IoT (internet vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo), VR/AR (công nghệ thực tế ảo), dữ liệu lớn... vào quản lý du lịch, đang tạo nền móng cho những cải tiến vượt bậc của ngành này. Bên cạnh đó, không chỉ giúp tối ưu hóa trải nghiệm du khách mà giải pháp công nghệ còn hỗ trợ các bên trong chuỗi cung ứng ngành Du lịch Việt vận hành hiệu quả và thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.
Báo cáo “Khám phá hành vi ứng dụng công nghệ trong du lịch của du khách Việt Nam” của The Outbox Company (Công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu tập trung vào lĩnh vực du lịch và khách sạn tiên phong tại châu Á) và Trip.com (Nhà cung cấp dịch vụ du lịch quốc tế toàn diện) cũng chỉ ra rằng, những công nghệ phổ biến như bản đồ số, ví điện tử và OTA (các đại lý du lịch trực tuyến) đang được sử dụng rộng rãi. Mặc dù một số công nghệ tiên tiến hơn như vé điện tử, trợ lý ảo, dịch vụ khách sạn thông minh... vẫn chưa được khai thác hiệu quả, với tỷ lệ du khách Việt nhận biết và sử dụng còn ở mức thấp nhưng ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình của du khách Việt.
Giám đốc Nghiên cứu tại The Outbox Company Nguyễn Anh Thư nhấn mạnh, những công nghệ hiện đại mở ra cơ hội tăng trưởng đáng kể trong tương lai của ngành Du lịch Việt. Do đó, việc mở rộng ứng dụng những giải pháp này vừa có thể cải thiện trải nghiệm người dùng, vừa giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong ngành Du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, để khai thác được những lợi ích từ công nghệ mang lại, đơn vị ứng dụng phải tăng cường hơn nữa tư duy “lấy người dùng làm trung tâm”, tập trung cải thiện giao diện, trải nghiệm và tính bảo mật cho nền tảng. Việc cung cấp thông tin chính xác, minh bạch và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cũng sẽ giúp nâng cao sự hài lòng của du khách Việt khi sử dụng các ứng dụng công nghệ, đặc biệt đối với nhóm khách hàng không quen thuộc với công nghệ.
Ghi nhận ý kiến nhiều du khách Việt cho thấy sự hào hứng trong việc sử dụng các công nghệ mới, nhất là những giải pháp mang tính cá nhân hóa cao như AI, chatbot và VR/AR. Các công nghệ này, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi lớn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình lên kế hoạch và đặt chỗ mà còn mang lại những trải nghiệm du lịch phong phú, cũng như hấp dẫn hơn cho khách du lịch.
Tăng lượng tìm kiếm nhờ số hóa điểm đến
Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của bến đò Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Ở góc độ địa phương, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, số hóa và các ứng dụng công nghệ số đang là điểm mấu chốt, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch thành phố phát triển nhanh chóng. Điều này, tạo điều kiện cho du khách có thể dễ dàng tìm kiếm những điểm đến của thành phố qua các nền tảng du lịch số, ứng dụng công nghệ.
Hơn thế nữa, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã triển khai hiệu quả hàng loạt các giải pháp chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, không chỉ trong công tác quản lý điều hành, quản lý nhà nước mà còn ứng dụng thực tiễn vào hoạt động quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Thành phố đã làm mới app du lịch, thực hiện các ấn phẩm điện tử giúp du khách dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận thông tin trên môi trường số; đồng thời du khách cũng có thể tiếp cận miễn phí cẩm nang du lịch, các loại ấn phẩm giới thiệu về du lịch TP Hồ Chí Minh với nhiều thứ tiếng như Anh, Nhật, Nga, Trung...
Mặt khác, Đề án Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung xây dựng hệ thống du lịch thông minh hướng tới các mục tiêu chính, gồm: Tiện ích cho du khách, điểm đến thông minh, hệ sinh thái kinh doanh thông minh; chủ động phân tích và dự báo nhu cầu, xu hướng, sở thích nhằm hoạch định phát triển tốt hơn. Tính đến nay, 366 tài nguyên du lịch TP Hồ Chí Minh đã được cập nhật lên nền tảng Google Earth và Google Map, còn các sản phẩm du lịch được lên sàn giao dịch thương mại điện tử (shopee, traveloka)… để du khách, người dân tìm hiểu và tham khảo.
Trong khi đó, một trong những nền tảng du lịch số có mạng lưới toàn cầu - nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cũng vừa công bố dữ liệu cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm đến đón giao thừa Tết Dương lịch 2025 được yêu thích. Đặc biệt, sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa đặc sắc, nhịp sống sôi động và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn mà khách du lịch quốc tế tìm kiếm để đón năm mới.
Theo chia sẻ của ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Agoda tại Việt Nam, khi năm 2024 dần khép lại thì số lượng tìm kiếm chỗ ở tại Việt Nam đến từ khách quốc tế vào thời điểm này đã tăng 30% so với năm trước và đất nước hình chữ S ngày càng thu hút được sự chú ý của thế giới. Trong đó, TP Hồ Chí Minh giữ vững vị trí điểm đến được săn đón nhất, là nơi khách quốc tế có thể chiêm ngưỡng màn pháo hoa rực rỡ bên sông Sài Gòn trong khoảnh khắc chào đón năm 2025.
Riêng Đảo ngọc Phú Quốc vươn lên vị trí thứ hai và tiếp theo có thể kể đến là những điểm đến quen thuộc như Đà Nẵng, Hà Nội và Nha Trang nằm trong top 5 điểm dừng chân được yêu thích nhất của khách quốc tế. Còn với du khách nội địa, TP Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu, tiếp theo sau là thành phố Đà Lạt, Vũng Tàu, Hà Nội và Nha Trang.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin