Ngày 11-8, UBND huyện Khánh Sơn tổ chức hội thảo Kết nối phát triển du lịch huyện Khánh Sơn năm 2024 với chủ đề: Du lịch xanh - Khánh Sơn hướng tới phát triển du lịch bền vững. Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trong tỉnh khẳng định Khánh Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch xanh.
Còn nhiều điểm nghẽn
Khánh Sơn được biết đến là quê hương của bảo vật quốc gia đàn đá Khánh Sơn, là nơi có văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Raglai với các nghi lễ, phong tục tập quán đặc sắc như: Lễ bỏ mả (đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm 2012), lễ ăn đầu lúa mới, nghi lễ vòng đời, lễ tạ ơn… Nơi đây cũng có nhiều loại hình văn nghệ dân gian với các làn điệu sử thi, dân ca, dân vũ, phổ biến là điệu hát Alơu, Siri, Sa ngơi, Ru tu; có các nhạc cụ dân tộc nổi tiếng đi vào thơ ca với cây đàn chapi; có không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, đánh mã la; có các nghề thủ công truyền thống…
Lãnh đạo huyện Khánh Sơn và chuyên gia chủ trì hội thảo. |
Theo ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, cùng với lợi thế về văn hóa truyền thống, Khánh Sơn còn có điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ, môi trường sinh thái rừng đa dạng, nguồn tài nguyên du lịch còn nguyên sơ… Địa phương có nhiều danh thắng tự nhiên độc đáo, như: Thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp), thác Dốc Quy (xã Sơn Lâm), cao nguyên Tà Giang (xã Thành Sơn), thung lũng Tô Hạp (thị trấn Tô Hạp); nhiều di tích lịch sử cách mạng ý nghĩa… Địa phương cũng có nhiều sản vật thu hút du khách, như: Các loại lâm sản, trái cây ngon đã được khẳng định thương hiệu… Đây là những tài nguyên quan trọng để Khánh Sơn tự tin với định hướng phát triển du lịch của mình.
Nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo cho rằng: Tuy có nhiều tiềm năng, nhất là thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch mạo hiểm… nhưng mức độ phát triển du lịch của địa phương chưa tương xứng. “Điểm nghẽn trong phát triển du lịch của Khánh Sơn có thể kể đến như: Tỷ trọng khách du lịch đến với huyện còn hạn chế; thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù; thiếu cơ chế phối hợp với các đơn vị lữ hành để phát triển các tour du lịch sinh thái gắn với núi rừng, nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, giao thông đến với Khánh Sơn còn hạn chế; hệ thống cơ sở lưu trú chỉ mới có 60 phòng; thiếu thông tin quảng bá đầy đủ về du lịch; nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và hạn chế về nghiệp vụ…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Chí Công - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Nha Trang nhận định.
Ông Phan Đình Phùng - Phó Giám đốc Sở Du lịch khẳng định: “Khánh Sơn là “vùng đất mới” trên bản đồ du lịch tỉnh, với nhiều tiềm năng, lợi thế về giá trị thiên nhiên tươi đẹp, giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai. Việc Khánh Sơn định hướng phát triển du lịch xanh để đưa du lịch phát triển bền vững rất phù hợp với định hướng xây dựng Khánh Sơn trở thành “tiểu đô thị sinh thái núi rừng” theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sở Du lịch cũng đã nhiều lần làm việc và định hướng cho huyện Khánh Sơn phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, tuần hoàn và bền vững… Trước mắt là hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp”.
Hướng đến phát triển bền vững
Hiện nay, Khánh Sơn đang đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với định hướng đưa du lịch phát triển ngang tầm với ngành nông nghiệp. Để phát triển du lịch bền vững, địa phương xác định phát triển theo hướng xanh, sử dụng hiệu quả các giá trị thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Chúng tôi xác định phát triển du lịch xanh sẽ khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của huyện; có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, tài nguyên và mang lại nhiều giá trị mới, đưa ngành Du lịch Khánh Sơn phát triển bền vững”.
Danh thắng thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn). |
Nhiều ý kiến tại hội thảo đề nghị huyện Khánh Sơn cần tập trung phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường; gắn với lợi thế về “thủ phủ” trái cây ngon, nhất là đặc sản sầu riêng; cần bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch bền vững. Địa phương cũng cần phát triển hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông…; xây dựng các chương trình tour kết nối sản phẩm liên kết huyện, liên kết vùng; có chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch; quan tâm đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Sầu riêng là sản phẩm nông sản thu hút khách du lịch đến với Lễ hội Trái cây Khánh Sơn năm 2024. |
Ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho rằng: Khánh Sơn cần tranh thủ các nguồn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển giao thông kết nối và cải thiện hạ tầng dịch vụ du lịch, nhất là phát triển các cơ sở dịch vụ như: Cơ sở lưu trú, nhà hàng… để đáp ứng tốt nhu cầu của du khách khi đến địa phương. Bên cạnh đó, huyện cần có các chương trình xúc tiến đầu tư, phát triển các sản phẩm nông nghiệp và du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm… để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách. Hiện nay, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đang tập trung hỗ trợ Khánh Sơn trong xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc của địa phương; hỗ trợ trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch…
H.LĂNG - H.ĐĂNG - N.HÒA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin