20:50, 23/07/2024

Nha Trang: Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững

XUÂN THÀNH (Thực hiện)

UBND TP. Nha Trang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 34 ngày 22-12-2023 của Tỉnh ủy về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững TP. Nha Trang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề cập đến kế hoạch, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết:

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang

Kế hoạch được xây dựng với mục đích gìn giữ, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn thành phố; phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, trong đó có việc thực hiện bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị tiêu biểu để tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.

- Thưa ông, UBND TP. Nha Trang đã đặt ra mục tiêu cụ thể như thế nào để hướng đến đạt được mục đích tốt đẹp như ông đã nói ở trên?

- Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững là một chiến lược dài hơi, cần có lộ trình cho từng giai đoạn, trong đó bảo tồn phải luôn gắn chặt với phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Theo đó, để phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, Nha Trang đặt mục tiêu đến năm 2025: 100% ban quản lý di tích, người trực tiếp trông coi di tích được tập huấn, phổ biến các quy định và kỹ năng về công tác di sản văn hóa; 100% ban quản lý di tích được kiện toàn và xây dựng quy chế hoạt động, quy chế thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; 70% xã, phường trên địa bàn thành phố có câu lạc bộ văn nghệ truyền thống, nhất là bài chòi, lễ hội Cầu ngư, dân ca… Thành phố sẽ hoàn thành việc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và tiến hành công tác tu bổ, phục hồi 11 di tích cấp tỉnh có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, như các đình: Trường Đông, Bích Đầm, Vĩnh Điềm, Lư Cấm, Phú Nông, Lương Sơn, đình - lăng Trường Tây và miếu Thiên Hậu Hải Nam (riêng đình Bình Tân, đình Võ Cạnh, đình Ngọc Hội đã được UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao lập báo cáo chủ trương đầu tư).

Từ nay đến hết năm 2025, Nha Trang tiếp tục triển khai các nội dung, nhiệm vụ tại Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử trên địa bàn TP. Nha Trang”; Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng xanh, bền vững tại Bích Đầm, phường Vĩnh Nguyên”; tổ chức khảo sát, đánh giá, lựa chọn các di tích có tiềm năng để đưa vào khai thác du lịch. Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng hồ sơ khoa học, đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích đối với các cơ sở đủ điều kiện.

Đến năm 2027, thành phố sẽ hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số để phục vụ lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Thành phố sẽ lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo di tích đình Thái Thông, xã Vĩnh Thái và đình Xuân Sơn, xã Vĩnh Trung. Bên cạnh đó, thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng các khu triển lãm, trưng bày hiện vật, cổ vật văn hóa, khu bán hàng lưu niệm nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch xanh và bền vững.

Đến năm 2030, 100% di tích xếp hạng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo đối với các di tích có dấu hiệu xuống cấp trên địa bàn thành phố; duy trì tổ chức hoạt động có hiệu quả các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống, các liên hoan, hội thi di sản văn hóa trên địa bàn… Trên cơ sở các di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy và nâng tầm, thành phố sẽ tiếp tục bổ sung các sản phẩm du lịch mới mang thương hiệu đặc trưng riêng để góp phần xây dựng Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Biểu diễn múa Chăm phục vụ khách tham quan di tích Tháp Bà Ponagar. 
Ảnh: GIANG ĐÌNH
Biểu diễn múa Chăm phục vụ khách tham quan di tích Tháp Bà Ponagar. Ảnh: GIANG ĐÌNH

- UBND TP. Nha Trang sẽ có những giải pháp gì để hoàn thành các mục tiêu nói trên, thưa ông?

- Để hoàn thành các mục tiêu đề ra cần thực hiện linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp. UBND TP. Nha Trang xác định để thực hiện kế hoạch có hiệu quả, trước hết cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, phải xây dựng và thực hiện các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương; trong đó quan tâm đúng mức yêu cầu và nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa làm nền tảng và động lực để phát triển du lịch. Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cộng đồng địa phương chủ động cùng tham gia quản lý di sản… gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thành phố sẽ xây dựng đội ngũ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di sản văn hóa, du lịch cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, du lịch.

Thành phố cũng sẽ tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tham khảo kinh nghiệm tốt, cách làm hay của các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài; nâng cao chất lượng về nội dung và đổi mới hình thức thể hiện, trình diễn của các sự kiện văn hóa - nghệ thuật - du lịch trên địa bàn thành phố; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, khai thác, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho các thành viên trong ban quản lý di tích, nhất là người trông coi trực tiếp di tích nhằm động viên, khuyến khích sự tham gia một cách tích cực, tự giác và có trách nhiệm cao trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích; tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch; sơ kết, tổng kết và động viên, khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích.

- Xin cảm ơn ông!

Trên địa bàn TP. Nha Trang có 3 di tích cấp quốc gia (vịnh Nha Trang, Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ) và 1 địa điểm nằm trong cụm công trình liên quan đến nhà bác học Alexandre Yersin được xếp hạng di tích quốc gia (Bảo tàng A.Yersin); 35 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, thành phố còn 13 di tích trong danh mục các di tích đã tiến hành kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng.

XUÂN THÀNH (Thực hiện)