20:15, 07/06/2024

Đưa giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vào sản phẩm du lịch: Chưa tương xứng với tiềm năng

XUÂN THÀNH

Thời gian qua, việc phát triển du lịch dựa trên những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã được các địa phương quan tâm. Tuy nhiên, đến nay, việc phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Sở Du lịch đang phối hợp với các địa phương khảo sát để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng ĐBDTTS.

Khảo sát tiềm năng

Sở Du lịch vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, Sở Du lịch sẽ tổ chức khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, thực hiện tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm phục vụ du lịch và các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng ĐBDTTS và miền núi của TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm trên các kênh truyền thông và ứng dụng mạng xã hội. Đồng thời, sở sẽ chủ trì tổ chức 4 lớp tập huấn nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng, nghiệp vụ bàn, chế biến món ăn phục vụ du lịch; kỹ năng điều hành tour, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, phục vụ du lịch tại TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và 2 huyện Cam Lâm, Diên Khánh.

Trước đó, năm 2023, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng ĐBDTTS tại 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Qua khảo sát, các địa phương này còn bảo tồn được nhiều nét văn hóa độc đáo gắn liền với tập tục của đồng bào vùng cao, như: Lễ ăn đầu lúa mới, các trò chơi dân gian, âm nhạc truyền thống, ẩm thực... Sở Du lịch đã định hướng để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng ở các xã: Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn), Khánh Trung, Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh)... Đồng thời, sở phối hợp với UBND huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh tổ chức 4 lớp tập huấn về nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng, nghiệp vụ bàn, chế biến món ăn phục vụ du lịch và kỹ năng điều hành tour, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, phục vụ du lịch cho các xã, thôn, hộ gia đình, cá nhân người DTTS… tại 2 huyện (50 người /lớp). Bên cạnh đó, Sở Du lịch phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh cử báo cáo viên tập huấn bồi dưỡng cho cộng đồng ĐBDTTS tại các xã miền núi ở huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh với chủ đề “Xây dựng mô hình phát triển du lịch bền vững có sự tham gia của cộng đồng”. 

Huyện Khánh Vĩnh đang đẩy mạnh phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển du lịch.

Cần hài hòa lợi ích các bên

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch là 1 trong 10 dự án trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Việc triển khai chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống DTTS cần đặt cộng đồng dân cư tại chỗ ở vị trí trung tâm, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch cần phải góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần thực chất, bền vững cho người dân; nâng cao nhận thức của ĐBDTTS trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống bản địa. Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của ĐBDTTS gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới đạt kết quả tốt, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn với khai thác các giá trị văn hóa cho du lịch; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng các DTTS với lợi ích của Nhà nước và các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Để làm được điều này cần có thời gian, tiến hành từng bước một, trong đó việc khảo sát, định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa ĐBDTTS chỉ là bước đầu.

Đẩy mạnh phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch là một định hướng đúng, nhất là khi du khách ngày càng có nhu cầu khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề dễ dàng. Thực tế cho thấy, các địa phương đang thiếu đi cá nhân hoặc tổ chức đứng ra làm "nhạc trưởng" gom góp từng ít một để xây dựng được những sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa của ĐBDTTS. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch ở các vùng ĐBDTTS đa phần vẫn chỉ dừng lại ở "tiềm năng". Ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho rằng, thực tế đi khảo sát ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa… cho thấy, dù rất tâm huyết nhưng kiến thức về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch của đội ngũ cán bộ ở các địa phương còn hạn chế; khi bắt tay vào việc có phần lúng túng. Chính vì vậy, các địa phương cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật. Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo môi trường, điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân tham gia khai thác giá trị văn hóa để phát triển dịch vụ du lịch; phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, báo chí, vận tải, doanh nghiệp lữ hành để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của mỗi địa phương và toàn vùng đến khách du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng những tour, tuyến hay chương trình du lịch để tăng cường thu hút khách du lịch đến vùng ĐBDTTS tham quan, nghỉ dưỡng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các DTTS…

XUÂN THÀNH