Vấn đề du lịch xanh, du lịch bền vững đang trở thành xu thế tất yếu cho các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, để hiện thực “xanh hóa” đối với ngành công nghiệp không khói ở Khánh Hòa cần các giải pháp đồng bộ, sự chung tay của cả cộng đồng.
* Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam:
Triển khai nhiều giải pháp cho du lịch biển, đảo
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi. |
Để phát triển du lịch biển Khánh Hòa theo hướng xanh và bền vững, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau: Duy trì được nguồn vốn tự nhiên biển cho phát triển du lịch; bảo tồn được thiên nhiên biển, bao gồm các hệ sinh thái và cảnh quan biển, ven biển và đảo; bảo vệ được môi trường biển khỏi ô nhiễm và suy thoái; phát triển hiệu quả du lịch biển dựa trên nền tảng của chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn; thực thi nghiêm túc pháp luật về biển, du lịch và môi trường; truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức về du lịch biển xanh và bền vững cho du khách, doanh nghiệp (DN), cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo.
Thời gian tới, bên cạnh việc hiện thực hóa các bài học kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch biển xanh, bền vững, tỉnh cần triển khai có hiệu quả phần du lịch trong Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, chú trọng triển khai thực hiện tốt Kế hoạch phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 và nhân rộng mô hình bảo tồn biển ở cấp cộng đồng; mở rộng diện tích bảo tồn biển ở vùng biển ven bờ Khánh Hòa kết hợp du lịch sinh thái biển và nghề cá giải trí; triển khai công tác quản lý Khu bảo tồn biển đảo Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa đã được quy hoạch trong hệ thống khu bảo tồn biển quốc gia từ năm 2010.
Nhằm bảo đảm chất lượng môi trường biển cho phát triển du lịch biển xanh và bền vững, tỉnh cũng nên áp dụng “tiếp cận quản lý tổng hợp” để kiểm soát ngay từ nguồn thải/gây ra ô nhiễm thông qua cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng và liên cơ quan với sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng địa phương...
* Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch):
Có những chính sách cụ thể cho du lịch xanh
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương. |
Hiện nay, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, tầm nhìn rất cụ thể về du lịch xanh. Tuy nhiên, cái còn thiếu chính là chính sách cụ thể để khuyến khích DN phát triển theo định hướng này. Muốn DN trở thành DN xanh, khách sạn xanh phải có chính sách hỗ trợ để họ sẵn sàng bỏ tiền ra. Chính phủ cần đưa ra chính sách chung cho cả nước và mỗi địa phương sẽ có thêm các chính sách cụ thể, đặc thù, phù hợp. Khánh Hòa với thế mạnh từ biển thì chính sách phát triển du lịch xanh phải khác với khu vực Tây Nguyên.
Đặc biệt, ở Khánh Hòa, bên cạnh phát triển du lịch xanh vùng biển cần phải xanh ở khu vực phía tây của tỉnh với du lịch vùng núi, điều này góp phần kéo dài ngày lưu trú của du khách. Đây là khu vực rất tiềm năng với nhiều điểm đến sinh thái và vốn văn hóa bản địa đặc trưng. Muốn cho du lịch ở các địa phương Khánh Vĩnh, Khánh Sơn thực sự xanh thì cần phải khuyến khích, kêu gọi DN đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa trong du lịch. Tỉnh cần tạo điều kiện cho DN phát triển lâu dài, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối. Khi có chính sách phù hợp, DN sẵn sàng bỏ tiền đầu tư, tạo ra tính hiệu quả cho du lịch, góp phần đẩy nhanh du lịch xanh.
* Ông Benjamin Kreuz - Tổng Quản lý Khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Vân Bay:
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Ông Benjamin Kreuz |
Du lịch xanh phải dựa trên nền tảng khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn lực nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên, nhân văn. Nhằm hướng tới phát triển du lịch xanh của tỉnh, Khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay - nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm đã thành lập Quỹ Phát triển bền vững. Theo đó, DN sẽ trích một phần doanh thu hàng tháng để sử dụng cho các dự án bảo tồn hệ sinh thái, cải thiện chất lượng sống cho người dân địa phương và môi trường sống cho các quần thể động vật hoang dã tại khu vực Hòn Hèo. Thông qua dự án, du khách lưu trú tại đây có thể tham gia hành trình leo núi khám phá cuộc sống hoang dã của voọc cùng chuyên gia bảo tồn kết hợp khám phá thiên nhiên kỳ thú. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của Viện Hải dương học, Six Senses Ninh Van Bay cũng đã khôi phục 500m2 rạn san hô ở khu vực Ninh Vân, đạt kết quả khả quan với tỷ lệ thành công đạt 91%. Trên cơ sở này, khu nghỉ dưỡng đã đưa hoạt động trồng san hô vào hành trình du lịch của du khách nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và nhân rộng diện tích san hô tự nhiên. Doanh thu từ các hoạt động du lịch xanh này tiếp tục được đưa vào Quỹ Phát triển bền vững để duy trì, phát triển các dự án. Qua những hoạt động thực tiễn Six Senses Ninh Van Bay đã thực hiện tại Ninh Vân có thể khẳng định, muốn du lịch xanh phát triển mạnh mẽ và rộng khắp cần có sự chung tay của tất cả cộng đồng. Trong đó, chính quyền địa phương sẽ đồng hành với DN để cùng nhau phát triển du lịch bền vững; người dân là những nhân tố quan trọng, trực tiếp tham gia quá trình thực hiện các dự án để phát triển du lịch xanh.
Đ.L - X.T (Ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin