Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Du lịch Khánh Hòa phát triển mạnh sẽ góp phần tăng nguồn thu, đồng thời tạo động lực cho các tỉnh trong khu vực cùng bứt phá vươn lên. Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch về nội dung này.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa |
* Thương hiệu “đẳng cấp quốc tế”
- Mục tiêu của Nghị quyết số 09 đưa ra cho tỉnh đến năm 2030 “là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế”. Bà nhìn nhận như thế nào về mục tiêu này?
- Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Người dân và du khách nói gọn hơn là “du lịch Khánh Hòa đẳng cấp quốc tế”. Tôi cho rằng cần phải làm nhiều việc để thu hút khách du lịch đến Khánh Hòa như một số nơi ở châu Âu, châu Á, Mỹ… Muốn vậy, cần nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch Khánh Hòa có tiếng trên thế giới. Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp cùng vào cuộc, bền bỉ trong nhiều năm. Khi thương hiệu du lịch Khánh Hòa phát triển mạnh mẽ trên bản đồ du lịch quốc tế sẽ thu hút được hàng triệu du khách mỗi năm.
Một em nhỏ được tặng chữ thư pháp khi du xuân ở Khu du lịch Champa Island trong ngày mùng 2 Tết Giáp Thìn. |
Trên thực tế, điều kiện cơ sở hạ tầng dịch vụ, khách sạn của tỉnh Khánh Hòa đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của một trung tâm du lịch trọng điểm trong khu vực và thế giới. Trong đó, TP. Nha Trang đã tổ chức được nhiều sự kiện mang tầm vóc quốc tế, về cơ sở hạ tầng, sân bay, bến cảng, hội tụ đủ điều kiện của một “thành phố sự kiện”.
- Sau đại dịch Covid-19, gần như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tìm mọi cách để “nhanh chân” thu hút khách du lịch quốc tế đến nước mình. Khánh Hòa là địa phương trọng điểm của Việt Nam về đón khách quốc tế, vậy tình hình hiện nay như thế nào, thưa bà?
- Nguồn khách du lịch truyền thống của Khánh Hòa vẫn tập trung vào các thị trường lân cận, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga, đặc biệt năm 2023 có thêm thị trường Kazakhstan, Uzbekistan. Ngoài ra, khai thác thêm thị trường khách châu Âu, Mỹ... Dịp đầu năm mới 2024, các chuyến bay từ Trung Quốc đến sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 20 chuyến/ngày, Hàn Quốc 18 - 19 chuyến/ngày, Kazakhstan 1 chuyến/ngày… Khách đi theo tàu du lịch biển cập vịnh Nha Trang dự kiến năm 2024 sẽ có gần 40 chuyến tàu.
* Tìm kiếm cơ hội với thị trường 1,4 tỷ dân - Ấn Độ
- Khánh Hòa đã nỗ lực cùng với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và một số doanh nghiệp của Ấn Độ tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến giới thiệu du lịch. Vì sao đến bây giờ vẫn chưa có đường bay thẳng từ Ấn Độ đến Cam Ranh?
- Về ngoại giao, giữa Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ đã thống nhất kết nối kinh tế, văn hóa, du lịch. Liên tục trong 3 năm qua, lãnh đạo tỉnh và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, cùng nhiều doanh nghiệp du lịch của hai nước đã nhiều lần họp bàn về việc đưa khách du lịch Ấn Độ sang Khánh Hòa, thị trường 1,4 tỷ dân đầy hấp hẫn. Tỉnh đã mời các doanh nghiệp lữ hành du lịch của Ấn Độ khảo sát thực địa, giao lưu văn hóa. Qua đó, đại diện các doanh nghiệp đánh giá rất cao vẻ đẹp biển, đảo và thời tiết của Khánh Hòa. Mới trước Tết Giáp Thìn năm 2024, đoàn múa của Ấn Độ sang biểu diễn tại Tháp Bà Ponagar (Nha Trang).
Cái khó ở đây là các hãng hàng không chưa mở đường bay trực tiếp từ Ấn Độ đến sân bay quốc tế Cam Ranh. Hãng bay phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành tìm kiếm được khách thì mới mở đường bay. Ngược lại, doanh nghiệp lữ hành yêu cầu có đường bay thương mại cố định mới mở thị trường và thu hút khách. Điểm mắc khiến việc mở đường bay giậm chân tại chỗ là ở đây.
Ngành Du lịch tỉnh vừa đề nghị các hãng hàng không xây dựng những tuyến bay charter trước (thuê chuyến bay trọn gói, theo hành trình yêu cầu của bên thuê) xem hiệu quả như thế nào, sau đó mới mở đường bay thương mại. Giống như thị trường khách Trung Quốc vẫn có chuyến bay thương mại đến Việt Nam, nhưng bên cạnh đó một số doanh nghiệp du lịch vẫn chủ động xây dựng những chuyến bay charter để có thêm lượng khách đến Khánh Hòa. Đó cũng là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch và hàng không.
Du khách và người dân Nha Trang - Khánh Hòa vui xuân ở Vinpearl Nha Trang. Ảnh: XUÂN THÀNH |
- Một số du khách cho rằng, sản phẩm du lịch ở Nha Trang - Khánh Hòa còn đơn điệu. Bà nghĩ sao về điều này?
- Khánh Hòa là tỉnh ven biển, có 3 vịnh lớn nổi tiếng, nhiều phong cảnh đẹp hút hồn du khách. TP. Nha Trang là hạt nhân du lịch của tỉnh, có nhiều công trình lịch sử, văn hóa trở thành điểm du lịch. Một số doanh nghiệp đã đầu tư phát triển làng nghề, gìn giữ những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam, khách quốc tế rất thích tìm hiểu lĩnh vực này. Ngoài ra, thành phố có nhiều trung tâm thương mại dành cho du khách mua sắm, nhà hàng ăn uống... Hiện nay, Khánh Hòa có nhiều đảo, eo biển, điểm tham quan lý tưởng. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ phát triển thêm trung tâm du lịch lớn ở vịnh Vân Phong, TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm; vùng du lịch sinh thái ở các huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn.
Du lịch Khánh Hòa đang từng bước tiếp cận phát triển bền vững, khai thác đi kèm bảo vệ tốt môi trường và các giá trị tài nguyên du lịch, an ninh trật tự, an toàn cho du khách… Điều này cần có sự chung tay của người dân, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành, doanh nghiệp.
- Hướng dẫn viên du lịch làm cầu nối và chuyển tải những giá trị lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán... của địa phương đến du khách quốc tế, nhưng đang xảy ra tình trạng hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài hoạt động tại Khánh Hòa trái với quy định của pháp luật. Tới đây, công tác quản lý nhà nước về vấn đề này như thế nào, thưa bà?
- Hướng dẫn viên giống như “đại sứ” du lịch, giới thiệu lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp... của quê hương, đất nước mình với du khách quốc tế. Đây được xem là kênh quan trọng để thu hút khách du lịch đến Khánh Hòa. Có thời gian, lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến Khánh Hòa tăng nhiều, số lượng hướng dẫn viên du lịch quốc tế biết nói tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc không đáp ứng được. Do đó, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép cho lao động người nước ngoài đi theo các đoàn khách để hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch quốc tế người Việt Nam.
Thực tế đâu đó vẫn còn tình trạng hướng dẫn viên người nước ngoài hoạt động “chui”. Thời gian qua, Sở Du lịch đã phối hợp với một số cơ quan chức năng đi kiểm tra và xử phạt hành chính hoạt động hướng dẫn viên du lịch không thẻ và đi sai thẻ (thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa mà sang làm hướng dẫn viên khách nước ngoài). Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra tại các điểm du lịch, kiên quyết xử lý nghiêm tất cả trường hợp vi phạm.
- Xin cảm ơn bà!
LỆ GIANG (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin