Đầu năm 2024, hàng loạt tàu biển quốc tế 5 sao "xông đất" Việt Nam, mang đến sự khởi đầu tích cực cho ngành Du lịch. Với dòng khách hạng sang, thời gian lưu trú và trải nghiệm dài ngày, du lịch tàu biển đang được xem là “mỏ vàng”, nếu khai thác tốt sẽ là thị trường thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch nước ta.
“Mỏ vàng” mới của du lịch Việt
Mở đầu năm mới 2024, nhiều tàu biển quốc tế lớn “xông đất” các cảng biển dọc đất nước đã mang đến sự sôi động cho ngành Du lịch. Cụ thể, ngày 2-1, tàu Westerdam (thuộc sở hữu của Hãng tàu biển Holland America Line) cập Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), chở 2.000 khách chủ yếu đến từ Hà Lan và nhiều quốc gia khác. Ngày 4-1, TP. Nha Trang đón tàu biển Spectrum of The Seas (quốc tịch Bahamas) với 4.393 du khách đến từ nhiều quốc gia. Sau khi lên tàu, nhiều du khách đã đến tham quan Viện Hải dương học, Tháp bà Ponagar, chợ Đầm, mua sắm tại các trung tâm thương mại. Chuyến tàu này còn tiếp tục mang đoàn khách nước ngoài đến TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tàu Spectrum of the Seas trên vịnh Nha Trang ngày 4-1. Ảnh: Quốc Bảo |
Cũng trong ngày 3 và 4-1, tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đón 2 tàu biển với gần 2.200 khách Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đến TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Trong đó, tàu Zhao Shang Yi Dun (quốc tịch Trung Quốc) đưa khoảng 200 khách cập bến tại Hạ Long vào ngày 3-1. Chỉ chưa đầy 2 tháng, tàu Zhao Shang Yi Dun đã đến Hạ Long 6 lần, mang theo gần 5.000 khách Trung Quốc. Còn tàu Westerdam (quốc tịch Hà Lan) đưa khoảng 2.000 khách đến Hạ Long vào ngày 4-1. Con tàu này cũng đã đăng ký quay trở lại sau một tháng nữa, dự kiến mang theo 2.000 khách.
Tương tự, vào ngày 7-1, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty Cổ phần cảng Chân Mây và Hãng Lữ hành Saigontourist tổ chức đón đoàn khách đầu tiên đến Huế năm 2024 bằng đường hàng hải. Chuyến tàu du lịch Celebrity Solstice chở theo 2.700 du khách quốc tịch Anh, Pháp, Mỹ… khám phá nhiều điểm đến của cố đô.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh, du lịch tàu biển đang là “mỏ vàng” của du lịch Việt Nam, có thể mang lại nguồn thu lớn cho ngành Du lịch.
Cần chiến lược phát triển chuyên nghiệp
Khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ. Đây cũng là lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng.
Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, du lịch biển, đảo là một ưu tiên, trong đó có rất nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch tàu biển. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực, sở hữu đường bờ biển dài 3.260km, hơn 4.000 hòn đảo… là những điều kiện để có thể trở thành trung tâm du lịch tàu biển của Châu Á.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra những mặt hạn chế còn tồn tại khiến du lịch tàu biển chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, đó là thủ tục visa thiếu linh hoạt đối với loại hình này; cơ sở hạ tầng về cảng đón chưa hiện đại, chưa đáp ứng được những tàu lớn cập cảng.
Là đơn vị đối tác cung cấp dịch vụ của nhiều hãng tàu biển lớn, như: Royal Caribbean Cruise Lines, TUI Cruises, Silversea Cruises, Azamara Cruises, Hapag-Lloyd Cruises, Resort World Cruises…, đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist cho rằng, hạn chế của việc phát triển du lịch tàu biển là số doanh nghiệp khai thác và có khả năng đáp ứng dịch vụ cho du khách tàu biển còn thấp, như thiếu hướng dẫn viên du lịch nhiều thứ tiếng, thiếu phương tiện vận chuyển đường bộ cao cấp cho du khách… Hầu hết các cảng biển của nước ta là cảng hàng hóa, chưa có cảng hành khách phục vụ cho việc đón khách tàu biển.
Để du lịch tàu biển được khai thác và phát triển chuyên nghiệp, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần đánh giá tiềm năng phát triển du lịch tàu biển, từ đó có chiến lược đầu tư phù hợp, từ cơ sở hạ tầng cảng biển, dịch vụ, điểm tham quan, đến sản phẩm du lịch… Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, cần có cơ chế visa riêng cho du khách nhập cảnh bằng đường thủy, đồng thời quy hoạch những địa phương có tiềm năng đầu tư, xây dựng những cảng biển quốc tế lớn, từ đó tổ chức sản phẩm dịch vụ hấp dẫn để khách lưu trú trên bờ lâu hơn.
Năm 2024, du lịch tàu biển tiếp tục là thị trường lớn để tăng doanh thu cho ngành Du lịch. Dự kiến, Đà Nẵng sẽ đón 45 chuyến tàu; Thừa Thiên Huế có 32 chuyến tàu; Quảng Ninh đón 60 chuyến tàu; Nha Trang đón 40 chuyến tàu… Đây là những tin vui để Việt Nam gia tăng lượng khách quốc tế. Dù vậy, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược tổng thể, đề xuất chính sách khai thác hiệu quả hơn nữa “mỏ vàng” du lịch tàu biển.
T.K (Theo hanoimoi.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin