01:12, 31/12/2022

Tự hào mang trong mình dòng máu Việt Nam

"Trong người tôi, dòng máu Việt Nam còn ít thôi, nhưng nó chảy rất mạnh mẽ. Cũng chính vì thế, tôi muốn cống hiến thật nhiều cho quê hương Việt Nam!". Đó là những lời bày tỏ của Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc Lý Xương Căn - hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ, khi ông đến Nha Trang khảo sát du lịch xứ Trầm Hương để quảng bá với du khách Hàn Quốc.

“Trong người tôi, dòng máu Việt Nam còn ít thôi, nhưng nó chảy rất mạnh mẽ. Cũng chính vì thế, tôi muốn cống hiến thật nhiều cho quê hương Việt Nam!”. Đó là những lời bày tỏ của Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc Lý Xương Căn - hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ, khi ông đến Nha Trang khảo sát du lịch xứ Trầm Hương để quảng bá với du khách Hàn Quốc.


Tìm về cố hương sau gần 800 năm

 

Ông Lý Xương Căn rất tự hào khi trở thành người Việt.

Ông Lý Xương Căn rất tự hào khi trở thành người Việt.


Trò chuyện, ông Lý Xương Căn (sinh năm 1958, tên theo tiếng Hàn là Lee Chang Kun) cho biết: “Ngay từ nhỏ, tôi đã nghe người thân kể nguồn gốc của gia đình mình là hậu duệ hoàng tộc triều Lý của Việt Nam lưu lạc đến Cao Ly (Triều Tiên). Đến năm 1967, qua một bài báo của một học giả Hàn Quốc, tôi biết mình là hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ, hậu duệ đời thứ 26 của hoàng tử Lý Long Tường - người đã đưa gia quyến từ giã kinh đô Thăng Long của nước Đại Việt (Việt Nam) vượt biển, đến đất Hoa Sơn, nước Cao Ly lánh nạn. Ở đó, ông đã giúp vua Cao Ly đánh bại đội quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh, được lịch sử ghi công… Tự hào về dòng tộc của mình, từ đó, tôi luôn mơ ước một ngày nào đó sẽ trở về quê hương Việt Nam để tìm lại nguồn cội của mình.


- Vậy đến khi nào thì ông trở về thăm đất mẹ Việt Nam?


- Thật ra, người đầu tiên có ý tưởng quay về Việt Nam chính là bác ruột của tôi. Đáng tiếc, ông đã mất vào năm 1975. Sau khi bác tôi mất, tôi chính là người lưu giữ gia phả và những tài liệu mà ông thu thập được về dòng tộc… Tâm nguyện trở về Việt Nam của ông được truyền sang tôi. Nhưng điều này gần như là “bất khả” do thời kỳ ấy Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc còn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao.


Năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi đã tìm đến Đại sứ quán Việt Nam ở Seoul (Hàn Quốc) để trình bày nguyện vọng được trở về thăm quê hương Việt Nam. Thật may, ông Nguyễn Phú Bình - Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc khi đó nói được tiếng Hàn nên tôi đã nói chuyện với ông rất nhiều. Tôi mang tất cả gia phả, ghi chép và tài liệu của gia đình cho ông xem. Ngài đại sứ có kiến thức rất sâu về lịch sử, sau khi nghe câu chuyện của tôi, ông rất xúc động và hứa sẽ tạo mọi điều kiện để tôi và người thân về Việt Nam. Năm 1993, tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên. Tôi đã nhờ nhân viên của Bộ Ngoại giao đưa đến đền thờ Lý Bát Đế (phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) để xác thực lại câu chuyện về dòng họ của mình. Ở đó, tôi đã thắp nén hương lên bàn thờ tiên tổ, báo cáo với các bậc tiền nhân sau gần 800 năm hậu duệ của hoàng tử Lý Long Tường trở về. Năm 1994, tôi đã dẫn những người trong họ Lý ở Hoa Sơn về nhận lại quê hương.


- Chuyến trở về đó hình như đã dẫn đến những thay đổi lớn lao trong cuộc sống của ông và gia đình?


- Vâng! Ngay lúc ấy, tôi đã nguyện trở về Việt Nam để sinh sống, sẽ cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho quê hương. Ngay trong năm 1994, tôi thành lập và là Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Dân tộc Việt - Hàn với mục đích thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Tôi nhờ cán bộ ở Bộ Ngoại giao dịch cuốn tiểu thuyết Hoàng thúc Lý Long Tường sang tiếng Việt, bỏ tiền để in sách… Sau nhiều chuyến đi về, đến năm 2000, tôi từ bỏ công việc kỹ sư với thu nhập cao, đưa cả gia đình về Việt Nam sinh sống.  Ban đầu, các con tôi do bất đồng ngôn ngữ nên gặp khó khăn trong giao tiếp. Nhưng chỉ sau một thời gian ở Việt Nam, các thành viên trong gia đình đã dần thích ứng với môi trường mới. Ba người con của tôi cũng đã học hành, trưởng thành ở Việt Nam!.  


Đặc biệt, sau nhiều lần đề đạt nguyện vọng, năm 2010, tôi và người thân trong gia đình đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khoảnh khắc biết tin được nhận quốc tịch Việt Nam, tôi vui mừng khôn xiết, bởi từ giây phút ấy mình và người thân đã thật sự trở thành người Việt. Hiện nay, gia đình tôi cũng đã thực hiện được tâm nguyện, đó là đưa hài cốt của bố tôi về chôn cất ở Việt Nam.


Làm cầu nối để thắt chặt mối quan hệ Việt - Hàn


- Cơ duyên nào đã đưa ông trở thành Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc? Trên cương vị đó, ông đã làm gì để góp phần quảng bá du lịch Việt Nam?


- Tôi đã có nhiều hoạt động để thắt chặt tình cảm của hai nước Việt - Hàn trong gần 30 năm qua. Năm 2016, với mong muốn đóng góp cho lĩnh vực du lịch của Việt Nam, tôi đã đề nghị và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc nhiệm kỳ 2017-2020. Đến năm 2019, tôi đã xin phép Tổng cục Du lịch Việt Nam để thành lập Văn phòng đại diện xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc bằng tiền của mình. Đến nay, văn phòng đã xây dựng trang web bằng tiếng Hàn giới thiệu du lịch Việt Nam; hỗ trợ, kết nối các bộ, tỉnh, thành phố Việt Nam với chính quyền các tỉnh, thành phố, khu, quận của Hàn Quốc để tổ chức các hoạt động giới thiệu Việt Nam, trong đó có các lễ hội lớn ở YongSan, Jongno, Guro, Qwangjin...


Năm 2021, tôi tiếp tục được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tái bổ nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc nhiệm kỳ 2021-2024. Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, hoạt động du lịch đã dần được phục hồi. Thời gian qua, văn phòng tích cực kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức du lịch Hàn Quốc và Việt Nam; gặp gỡ, trao đổi, cung cấp các thông tin về du lịch Việt Nam cho đối tác, cá nhân quan tâm đến Việt Nam… Và tôi đã được gặp đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân dẫn đầu sang công tác tại Seoul, Hàn Quốc. Theo lời mời của ngài Chủ tịch UBND tỉnh, tôi đã tổ chức đoàn famtrip đến khảo sát du lịch Khánh Hòa để phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá thị trường Hàn Quốc.


- Ông đánh giá thế nào về sức hấp dẫn của du lịch Nha Trang - Khánh Hòa?


- Với tôi, Nha Trang không hề xa lạ. Tôi đã đến du lịch ở đây khá nhiều lần cùng người thân. Nha Trang vẫn luôn là vùng đất rất đẹp, cơ sở hạ tầng du lịch phát triển, khí hậu ôn hòa, phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng… Sau đại dịch, hoạt động du lịch đã khôi phục trở lại, nhiều du khách Hàn Quốc đã đến Nha Trang bởi đường bay rất thuận lợi, chính sách kiểm dịch của Chính phủ Việt Nam cũng đã thoáng. Mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã sang thăm Hàn Quốc nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Hàn. Sự kiện này được giới truyền thông và người dân Hàn Quốc rất chú ý, đây là cơ hội để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch từ Hàn Quốc đến Việt Nam, trong đó có Nha Trang - Khánh Hòa.


Tiềm năng thu hút khách Hàn Quốc của du lịch Khánh Hòa rất lớn. Tuy nhiên, không vì lẽ đó mà chúng ta ngồi yên chờ khách đến, thay vào đó cần quảng bá tốt hơn nữa để ngày càng có nhiều người Hàn Quốc biết đến Nha Trang. Chúng ta có thể thông qua Văn phòng đại diện xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc; đẩy mạnh quảng bá trên Tiktok, Facebook, Instagram, Youtube... bởi giới trẻ Hàn Quốc rất ưa dùng mạng xã hội. Các doanh nghiệp du lịch Khánh Hòa cũng cần tìm hiểu sâu hơn thị hiếu khách Hàn Quốc, xây dựng các sản phẩm độc đáo, riêng có để thu hút khách Hàn… Trong thời gian tới, tôi sẽ làm cầu nối kết nối các doanh nghiệp Hàn Quốc với Khánh Hòa để thúc đẩy sự phát triển du lịch giữa hai bên. Cuối tháng 10-2022, Hiệp hội Du lịch Nha Trang -  Khánh Hòa đã ký kết ghi nhớ với Hiệp hội hợp tác công nghiệp du lịch Seoul. Đó là cơ sở để tiến đến những kế hoạch hợp tác chi tiết hơn, chặt chẽ hơn, từ đó đẩy mạnh việc khai thác đưa khách Hàn Quốc đến du lịch Khánh Hòa.  


- Xin cảm ơn ông!


XUÂN THÀNH (Thực hiện)