10:04, 02/04/2021

Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch

Dịch Covid-19 đã khiến hoạt động du lịch gặp nhiều khó khăn, thói quen của du khách cũng thay đổi. Các doanh nghiệp đã và đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch… để phù hợp với xu thế mới.

Dịch Covid-19 đã khiến hoạt động du lịch gặp nhiều khó khăn, thói quen của du khách cũng thay đổi. Các doanh nghiệp (DN) đã và đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch… để phù hợp với xu thế mới.


Nhiều doanh nghiệp hưởng ứng

 
Tình hình dịch Covid-19 đang khiến ngành Du lịch chịu nhiều tổn thất. Bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, giảm giá để kích cầu du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đề nghị ngành du lịch các địa phương, các DN đẩy mạnh số hóa trong hoạt động du lịch. Thời gian qua, nhiều DN du lịch lớn trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy sự phát triển du lịch cũng như hạn chế giao tiếp để phòng, chống dịch Covid-19. Nổi bật nhất là Công ty Cổ phần Vinpearl với ứng dụng công nghệ Face ID trong việc làm thủ tục check-in cho khách du lịch; Vietravel Chi nhánh Nha Trang đẩy mạnh việc đặt tour trực tuyến. Ông Đoàn Hải Quân - Giám đốc Vietravel Nha Trang cho biết, lượng khách tìm hiểu thông tin, đặt tour trực tuyến qua trang web và app Vietravel ngày càng nhiều.

 

 

Khách du lịch vui chơi ở VinWonders Nha Trang. Ảnh: THIỆN TÂM

Khách du lịch vui chơi ở VinWonders Nha Trang. Ảnh: THIỆN TÂM

 

Mới đây, Khu nghỉ dưỡng Alma đã ra mắt ứng dụng di động Alma Resort nhằm tăng cường tối đa giao tiếp không chạm giữa khách và nhân viên khi tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngoài các tính năng cung cấp thông tin thực đơn cho các nhà hàng, quầy bar, dịch vụ ăn uống tại phòng, chương trình khuyến mãi… ứng dụng Alma Resort cũng tích hợp dịch vụ di chuyển và cả tiện ích phản ánh để người dùng có thể góp ý về các dịch vụ của khu nghỉ dưỡng. “Mục đích của Alma là phát triển ứng dụng của mình trở thành một trung tâm tổng hợp thông tin toàn diện, giảm thiểu tối đa tiếp xúc giữa khách và nhân viên trong thời kỳ dịch Covid-19 chưa được dập tắt; góp phần giữ an toàn cho khách, nhân viên và cộng đồng”, ông Martin Koerner - Giám đốc Thương mại của khu nghỉ dưỡng cho biết.

 

Trước đó, Khu du lịch Suối khoáng nóng I-resort Nha Trang đã triển khai hệ thống bán vé tự động để nâng cao hiệu quả phục vụ khách. Ông Trần Đăng Quang - Giám đốc Kinh doanh Khu du lịch Suối khoáng nóng I-resort Nha Trang cho biết, máy bán vé tự động ở I-resort có 6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Nga, Trung Quốc, Hàn, Nhật. Ở mỗi dịch vụ có clip video và chữ giới thiệu tóm tắt về dịch vụ. Khách hàng có thể dễ dàng chọn loại dịch vụ và số vé cần mua, có thể thanh toán bằng thẻ ngân hàng qua POS hoặc thanh toán bằng QR code…

 

Du khách sử dụng máy mua vé tự động ở I-resort Nha Trang.
Du khách sử dụng máy mua vé tự động ở I-resort Nha Trang.


Cần sự liên kết nhiều ngành

 

Đầu tháng 1-2021, Tổng cục Du lịch ra mắt chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội Youtube - “Việt Nam: Đi để yêu” với sự tham gia của nhiều youtuber để kích cầu du lịch nội địa. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch còn phối hợp với Tập đoàn Google thực hiện triển lãm trực tuyến “Kỳ quan Việt Nam” (Wonders of Vietnam) với 1.369 bức ảnh nghệ thuật chất lượng cao về các cảnh đẹp của Việt Nam.  Đây được xem là bước đột phá của du lịch Việt Nam trong ứng dụng công nghệ số để quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, việc chuyển đổi số được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành thì mới được thực hiện một cách quyết liệt, bài bản. Trong năm 2021, Sở Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch như: Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên mạng xã hội; tổ chức các hội thảo trực tuyến; kết hợp với các DN để triển khai thực hiện bản đồ số cho du lịch. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai cuộc thi Check-in Nha Trang để đẩy mạnh quảng bá du lịch Nha Trang. Bên cạnh đó, Sở Du lịch đã kêu gọi các DN đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với công nghệ số như du lịch “thực tế ảo”…


Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành rất cao, do đó để thúc đẩy công nghệ số trong hoạt động du lịch cần sự vào cuộc của nhiều ngành. Trong chương trình hành động ngành Du lịch năm 2021 (Sở Du lịch đã tham mưu), UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải triển khai đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh (tập trung lĩnh vực đường bộ). Trước đó, trong Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch giai đoạn 2020 - 2025 do UBND tỉnh phê duyệt, Sở Văn hóa - Thể thao triển khai đề án số hóa 3D các hiện vật công trình lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh để quảng bá văn hóa, du lịch Khánh Hòa đến du khách.


XUÂN THÀNH