Theo Sở Du lịch, năm 2020, 19 doanh nghiệp đã trả lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Năm 2021, hoạt động dịch vụ lữ hành được dự báo sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Sở Du lịch, năm 2020, 19 doanh nghiệp (DN) đã trả lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Năm 2021, hoạt động dịch vụ lữ hành được dự báo sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp lữ hành quốc tế “ngủ đông”
Theo báo cáo của Sở Du lịch, trên địa bàn tỉnh có 138 DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 118 DN kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế. Từ đầu năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19, hoạt động của DN kinh doanh dịch vụ lữ hành gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các DN chuyên về thị trường inbound (khách quốc tế đến Khánh Hòa) và outbound (khách đi ra nước ngoài).
Từ chỗ mỗi ngày đón gần 100 chuyến bay đưa khách du lịch từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… đến Khánh Hòa, từ cuối tháng 3-2020, sân bay Cam Ranh ngừng các chuyến bay phục vụ khách du lịch. Mất dòng khách ngoại, các DN chuyên phục vụ khách inbound gần như không hoạt động. Hầu hết các DN lữ hành quốc tế cắt giảm lao động, chỉ còn giữ lại bộ khung.
Trong khi đó, các DN chuyên phục vụ khách outbound đi tham quan Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc lại tìm cách chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa. Tuy nhiên, việc chuyển hướng này gặp rất nhiều khó khăn do du lịch nội địa cũng chịu ảnh hưởng vì Covid-19 nên lượng khách sút giảm, tình hình dịch lại thất thường khiến tình trạng hủy - hoãn tour liên tục xảy ra; kinh nghiệm làm thị trường nội địa còn hạn chế nên việc kinh doanh không mấy khởi sắc. “Có những công ty làm thị trường quốc tế tốt nhưng lại khó chuyển sang nội địa. Vì thế, sau một thời gian gắng gượng, DN buộc phải chọn cách “ngủ đông” hoàn toàn để chờ đến khi thị trường du lịch quốc tế mở cửa trở lại”, ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú, Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa chia sẻ.
Theo Sở Du lịch, vì khó khăn trong việc kinh doanh, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 19 đơn vị thông báo tạm ngưng và trả giấy phép hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế. Trao đổi với phóng viên, đại diện một DN cho biết, muốn được cấp giấy kinh doanh lữ hành quốc tế đến Việt Nam phải nộp tiền ký quỹ (250 triệu đồng); kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài là 500 triệu đồng. Việc trả giấy phép sẽ giúp DN có thể rút số tiền ký quỹ từ ngân hàng để giảm thiểu khó khăn!
Sẽ còn đối mặt với vô vàn khó khăn
Năm 2021, hoạt động du lịch nói chung và dịch vụ kinh doanh lữ hành nói riêng sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, nhiều chuyên gia dự đoán sớm nhất có thể đón khách quốc tế từ quý IV/2021. Còn để phục hồi hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế như năm 2019 phải mất 3 - 4 năm. Du lịch nội địa sẽ là mảng chính trong thời gian tới. Các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành cần tăng cường liên kết với đối tác, đẩy mạnh truyền thông để thu hút khách nội địa đến Nha Trang - Khánh Hòa.
Theo báo cáo của Sở Du lịch, ước tính trong năm 2020, toàn tỉnh chỉ đón hơn 1,24 triệu lượt khách du lịch, giảm gần 82,3% so với năm 2019. Trong đó, có 435.000 lượt khách quốc tế, giảm 87,8% và 805.000 lượt khách nội địa, giảm 76,6%. Hoạt động đón khách du lịch tàu biển cũng bị ngưng trệ nên chỉ đón được 14 chuyến tàu du lịch biển cập cảng Nha Trang và cảng Cam Ranh, phục vụ 24.760 lượt khách du lịch lên bờ tham quan. |
Tuy nhiên, việc khai thác thị trường nội địa chắc chắn cũng khó khăn bởi túi tiền của khách hàng đã mỏng hơn sau hơn một năm đương đầu với tình trạng thu nhập giảm sút. Khách du lịch sẽ cân nhắc hơn trong việc đi du lịch. Xu hướng khách chủ động tìm kiếm thông tin, trực tiếp đặt dịch vụ để đi lẻ theo gia đình, nhóm nhỏ sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị lữ hành mà khả năng là cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn. Không loại trừ sẽ tiếp tục có thêm nhiều DN lữ hành bị chết yểu.
Theo ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên - Giám đốc Kinh doanh công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion, trong bối cảnh hiện nay, các DN lữ hành muốn tồn tại phải có tiềm lực kinh tế, phải sáng tạo trong xây dựng và tiếp thị sản phẩm mới thu hút được du khách. Bên cạnh đó, DN du lịch nói chung và DN lữ hành nói riêng rất cần các chính sách hỗ trợ về thuế, phí cùng những chương trình kích thích tiêu dùng dài hạn từ địa phương như giảm, miễn vé tham quan cho du khách.
Trên các diễn đàn, các nhóm về du lịch có rất nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan chủ quản giảm phí tham quan Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng và vịnh Nha Trang. Nhiều địa phương như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế… đã giảm giá vé tham quan các di tích, thắng cảnh, bảo tàng trong năm 2020 và kéo dài sang năm 2021. Ở Khánh Hòa, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa nhiều lần kiến nghị nhưng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa giảm giá phí tham quan các điểm di tích, danh thắng!
XUÂN THÀNH