Sáng 23-12, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động ngành du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2020.
Sáng 23-12, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động ngành du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2020. Dự hội nghị có các ông: Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tăng trưởng mạnh trước dịch Covid-19
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 5 năm qua, du lịch Khánh Hòa đã có sự phát triển mạnh mẽ; các chỉ tiêu chủ yếu về du lịch tăng 15 - 20%/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 1.113 cơ sở lưu trú với hơn 50.000 phòng, trong đó 125 cơ sở lưu trú quy mô 3 - 5 sao. Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2019, tổng lượt khách lưu trú của Khánh Hòa đạt gần 23,2 triệu lượt, trong đó có 9,55 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch tăng hơn 26%/năm. Đến năm 2019, đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP của tỉnh đạt khoảng 12,3%. Sự tăng trưởng của ngành Du lịch góp phần tăng tỷ trọng của ngành trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển các ngành kinh tế khác, đặc biệt là mang lại hiệu quả cao trong vấn đề giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, du lịch Khánh Hòa năm 2020 bị sụt giảm nghiêm trọng. Ước tính, năm nay, toàn tỉnh chỉ đón hơn 1,2 triệu lượt khách, giảm gần 82,3% so với năm 2019, tổng thu từ khách du lịch khoảng 6.946 tỷ đồng, giảm gần 82,7%.
Bên cạnh đó, du lịch Khánh Hòa vẫn còn một số hạn chế cần sớm được khắc phục. Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: 84% số cơ sở lưu trú và 87% số phòng lưu trú tập trung tại Nha Trang đã gây quá tải về hạ tầng du lịch; công suất phòng lưu trú ngày càng giảm, đến năm 2019 chỉ đạt 52,6%. Thị trường khách quốc tế mất cân đối nghiêm trọng, trong đó khách Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc chiếm đến hơn 90% tổng lượng khách quốc tế. Đáng lưu ý, tốc độ tăng trưởng du lịch của tỉnh đang có chiều hướng giảm dần; doanh thu du lịch của tỉnh chủ yếu đến từ dịch vụ lưu trú và ăn uống, nguồn thu từ dịch vụ hoạt động vui chơi, giải trí và mua sắm chỉ chiếm 25 - 30% và không có dấu hiệu dịch chuyển trong 5 năm qua… Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững của tỉnh.
Sẽ cơ cấu lại hoạt động du lịch
Để đưa du lịch Khánh Hòa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh xác định, giai đoạn 2021 - 2025, du lịch Khánh Hòa cần thực hiện chiến lược phát triển du lịch vừa theo chiều rộng đồng thời từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, hướng đến sự phát triển bền vững. Theo đó, Khánh Hòa sẽ cơ cấu lại hoạt động du lịch bảo đảm 3 mục tiêu chính: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh và khai thác, kinh doanh du lịch có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp.
Để thực hiện được mục tiêu này, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành Du lịch và các ngành liên quan thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như: Xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển các loại hình sản phẩm du lịch và đề án phát triển thị trường khách du lịch phù hợp với tiềm năng du lịch của tỉnh; đề án về xây dựng thương hiệu du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; các dự án về bãi đỗ xe để khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông…
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú, Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa góp ý: Hiện nay, Khánh Hòa dư phòng lưu trú. Vì vậy, giai đoạn tới, tỉnh không nên phát triển mạnh về cơ sở lưu trú. Bên cạnh đó, một số DN cho rằng, thời gian để du lịch hồi phục còn khá dài; hiện nay, việc kích cầu du lịch chủ yếu do các DN “tự thân vận động”. Vì thế, UBND tỉnh cần chỉ đạo thành lập quỹ hỗ trợ cho DN để xây dựng chương trình, sản phẩm kích cầu để thu hút khách đến Khánh Hòa.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Hữu Hoàng nhấn mạnh, việc phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới còn nhiều khó khăn. Vì vậy, cần sự vào cuộc và hành động quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch để kịp thời chuyển đổi, tạo sự đột phá, tăng cường thu hút du khách quay trở lại và nâng cao năng lực cạnh tranh cho điểm đến du lịch Khánh Hòa.
Ông Lê Hữu Hoàng đề nghị các sở, ngành và địa phương trong tỉnh triển khai giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động du lịch, góp phần đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, nhất là những vấn đề thay đổi sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, đưa vào vận hành hệ thống truyền thông số cho các giải pháp truyền thông và xúc tiến du lịch Khánh Hòa, thay thế dần các phương thức truyền thông cũ không còn phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay. Ông đề nghị các DN du lịch tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng hóa sản phẩm; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động phối hợp trong công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu thu hút các thị trường khách du lịch quốc tế khác, đặc biệt là những thị trường truyền thống đã bị giảm trong thời gian qua... Về lâu dài, các sở, ngành, địa phương nghiên cứu tham mưu, đề xuất những chính sách ưu đãi thu hút các dự án đầu tư khu vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp, khu chợ đêm, điểm biểu diễn nghệ thuật… để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh.
XUÂN THÀNH
Nhân dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 31 tập thể có nhiều thành tích trong việc thực hiện Chương trình hành động ngành du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2020.
_______________________________________
UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Khánh Hòa đón 11 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 200.000 tỷ đồng; có 70.000 phòng lưu trú, trong đó khoảng 60% phòng đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao; tạo việc làm cho hơn 160.000 lao động trực tiếp.