11:12, 22/12/2020

Cần đổi mới cách làm du lịch

Dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành du lịch gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Hơn lúc nào hết, những người làm du lịch ở Nha Trang - Khánh Hòa phải tiếp tục đổi mới trong cách làm để thu hút khách.

Dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành du lịch gặp nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Hơn lúc nào hết, những người làm du lịch ở Nha Trang - Khánh Hòa phải tiếp tục đổi mới trong cách làm để thu hút khách.


Trong buổi làm việc với Cụm thi đua các Sở Du lịch phía nam tại Nha Trang vào đầu tháng 12, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã yêu cầu Khánh Hòa cũng như ngành du lịch cả nước cần phải đổi mới hơn nữa trong cách làm du lịch để phù hợp với tình hình mới. Theo đó, ông Phúc đề nghị ngành Du lịch Khánh Hòa cần truyền tải mạnh mẽ thông điệp về điểm đến an toàn, hấp dẫn; cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa; tập trung phát triển, làm mới các sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị trường; tăng cường hoạt động chuyển đổi số trong quản lý và thông tin du lịch.

 

Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”,  một trong những sản phẩm công nghệ số mới nhất của du lịch Việt Nam.

Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, một trong những sản phẩm công nghệ số mới nhất của du lịch Việt Nam.


Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuyển đổi số, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc đề nghị cần tập trung hình thành cơ sở dữ liệu du lịch liên thông có thể chia sẻ giữa Trung ương và địa phương (lữ hành, khách sạn, điểm đến, sản phẩm du lịch…). Các địa phương cần sớm tổ chức triển khai số hóa điểm đến trên cơ sở ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng dẫn viên du lịch ảo, tăng cường tiện ích hỗ trợ khách du lịch… Theo ông Phúc, vai trò của các sở du lịch rất quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch ở địa phương. Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ các địa phương cùng tham gia vào quá trình này, hướng đến mục tiêu chung hình thành một hệ sinh thái về du lịch thông minh ở Việt Nam.


Thực tế tại Khánh Hòa, ngành Du lịch cũng đã có những ứng dụng về công nghệ số vào các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Thay vì chỉ tổ chức họp báo, công bố các sản phẩm thông thường như trước đây, mới đây, Sở Du lịch phối hợp Hiệp hội Du lịch với các đơn vị liên quan tổ chức phiên chợ du lịch online giới thiệu chương trình kích cầu các tour du lịch cuối năm của Khánh Hòa. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của hơn 60 doanh nghiệp lữ hành trên cả nước. Trước đó, Sở Du lịch đã phối hợp với Công ty Travelshop Việt Nam - Travelshop Turkey triển khai chương trình “Liên kết doanh nghiệp” với hình thức B2B online để giới thiệu du lịch Khánh Hòa với các đối tác quốc tế, chuẩn bị cho việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên toàn thế giới. Theo ông Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú, Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa, việc tổ chức giới thiệu trực tuyến các chương trình kích cầu là cách làm ít tốn kém về chi phí, giải quyết được vấn đề khoảng cách không gian; nếu triển khai trên các mạng xã hội sẽ tiếp cận nhiều đối tượng hơn, từ các đơn vị lữ hành cho đến các khách lẻ.


Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, một trong những giải pháp để phục hồi, thích ứng với du lịch sau dịch Covid-19 là chuyển đổi công nghệ số trong hoạt động du lịch. Trong thời gian tới, Sở Du lịch tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác với các đơn vị đối tác trong và ngoài nước về hoạt động quảng bá du lịch bằng mạng xã hội. Về lâu dài, Sở Du lịch sẽ chủ trì phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin để triển khai nhiều dự án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi. Cụ thể, ngành Du lịch sẽ xây dựng và triển khai ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp thông tin điểm đến, tích hợp trên đầu số *2258 để hỗ trợ giải quyết các yêu cầu từ du khách; xây dựng phần mềm ứng dụng hướng dẫn viên du lịch ảo trên điện thoại di động; phát triển các ứng dụng hỗ trợ thanh toán trên các thiết bị di động thông minh, thẻ du lịch thông minh; hệ thống quản lý thông tin du lịch dựa vào thiết bị cảm biến định vị; hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu ngành, dự báo thị trường khách du lịch…


Theo các chuyên gia du lịch, việc đầu tư, ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động cũng như mang tới trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, đặc biệt trong một bối cảnh như hiện nay. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao để các sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn, thu hút hơn, để du khách không chỉ tới một lần mà còn muốn quay lại nhiều lần sau nữa.


THÀNH NGUYỄN