Dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp khiến hoạt động kinh doanh du lịch ngày càng thêm khó. Các doanh nghiệp (DN) du lịch đang mong chờ sự hỗ trợ về tài chính, thuế, phí… của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh.
Dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp khiến hoạt động kinh doanh du lịch ngày càng thêm khó. Các doanh nghiệp (DN) du lịch đang mong chờ sự hỗ trợ về tài chính, thuế, phí… của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh.
Đã khó lại càng khó
Tính đến đầu năm 2020, Khánh Hòa có khoảng 50.000 phòng lưu trú, trong đó phòng chất lượng 3 - 5 sao khoảng 67%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kinh doanh lưu trú từ đầu tháng 2 đến nay gặp rất nhiều khó khăn. Theo ước tính của Sở Du lịch, trong tháng 2, công suất phòng của các khách sạn chỉ đạt 21,66%, trong đó cơ sở lưu trú 3 - 5 sao đạt khoảng 30%, cơ sở 1 - 2 sao đạt 10%. Đơn cử như khách sạn Nha Trang Horizon có 375 phòng, trong tháng 2 công suất phòng chỉ đạt 10 - 15% và lịch đặt phòng của tháng 3 chỉ khoảng 5 - 10%. Chỉ tính trong tháng 2, khách sạn này đã lỗ hơn 5 tỷ đồng so với bình thường. “20 năm làm trong ngành khách sạn, tôi chưa chứng kiến cuộc khủng hoàng nào trầm trọng và kéo dài không có điểm dừng như thế”, bà Nguyễn Thị Uyên Chi - Tổng quản lý khách sạn Nha Trang Horizon chia sẻ.
Du lịch đang đối mặt với khó khăn hơn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở châu Âu. Ngày 9-3, Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc tạm dừng đơn phương miễn thị thực (visa) đối với 8 nước châu Âu gồm: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha để phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó, Việt Nam đã tạm dừng miễn visa với công dân Hàn Quốc từ ngày 29-2 và công dân Ý từ ngày 3-3 khi các quốc gia này bùng phát dịch. Hơn 10 ngày qua, khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở Ý, châu Âu, du khách từ khu vực này hủy chuyến rất nhiều. Lượng khách du lịch từ Nga cũng có dấu hiệu giảm sút. Đại diện Fusion Resort cho biết, lượng khách châu Âu hủy phòng ngày càng nhiều, công suất phòng của khu nghỉ dưỡng hiện chỉ còn 6%.
Nhiều DN du lịch lo thị trường sẽ giảm sâu hơn nữa khi Chính phủ đang tính đến phương án sẽ tạm ngưng miễn visa với những quốc gia có trên 500 ca nhiễm dịch Covid-19 và các quốc gia có lượng người nhiễm trên 50 ca/ngày.
Mong chờ sự hỗ trợ
Để gỡ khó cho ngành Du lịch, từ cuối tháng 2, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Du lịch kiến nghị các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN du lịch vượt qua khó khăn. Ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết, hiện nay, một số ngành đã có văn bản trả lời, nhưng về cơ bản các ngành vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các DN du lịch, ngoài việc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đề nghị giảm lãi suất cho vay.
Với diễn biến phức tạp của dịch như hiện nay, người kinh doanh khó có thể tính toán biện pháp đối phó nào ngoài việc cắt giảm chi tiêu, giảm nhân sự và mong những hỗ trợ như: giảm thuế, phí, giãn nợ... từ Chính phủ. “Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, có hai gói hỗ trợ về tín dụng và giảm thuế trị giá khoảng 280.000 tỷ đồng. Chúng tôi rất mong chờ hai gói hỗ trợ này, bởi DN cần được tiếp sức trước khi kiệt quệ”, ông Vũ bày tỏ.
Không chỉ các cơ sở kinh doanh lưu trú, các DN lữ hành cũng rất mong chờ các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh. Ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên - Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion cho biết, các DN rất kỳ vọng vào thị trường nội địa, bởi hiện nay khách nước ngoài không ai đăng ký, chủ yếu bán các combo trong nước, giảm giá sâu. DN rất mong các chính sách kích cầu hỗ trợ làm giảm tối đa chi phí, các khoản thuế, phí liên quan như: phí tham quan các điểm di tích, thuế VAT… Đồng thời, Chính phủ cần xem xét để có chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là với các DN nhỏ, chưa có nhiều tích lũy về tài chính.
XUÂN THÀNH