10:02, 21/02/2019

Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới

Sáng 21-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp bàn về việc triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Chính phủ.

Sáng 21-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì cuộc họp bàn về việc triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) theo chỉ đạo của Chính phủ.


Nhiều tiềm năng


Khánh Hòa có những loại nông sản thế mạnh như: xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn. Các địa phương như: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh có thế mạnh là tôm hùm. Các làng nghề chế tác trầm hương ở Vạn Ninh, chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Hòa, đúc đồng Diên Khánh và một số nghề bánh, bún… cũng được nhắc đến.

 

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm gian hàng gạo Ngọc Quang tại Phiên chợ nông sản Khánh Hòa 2018.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm gian hàng gạo Ngọc Quang tại Phiên chợ nông sản Khánh Hòa 2018.


Khánh Hòa cũng đã xác định hơn 30 sản phẩm nông nghiệp thế mạnh trong chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm; quy hoạch phát triển trồng trọt, chăn nuôi cũng đã được xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Chưa kể sau quá trình xây dựng NTM, 42 xã NTM và toàn bộ 94 xã trên địa bàn tỉnh đều đã có nhiều đổi thay, bộ mặt nông thôn khởi sắc, nhất là hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng ngày càng khang trang, rộng đẹp hơn.


“Khánh Hòa có thế mạnh về du lịch, không chỉ nổi tiếng cả nước mà còn mang tầm quốc tế. Vì vậy, việc phát triển du lịch gắn với NTM là một chương trình thiết thực, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Khánh Hòa. Mục tiêu cao nhất vẫn là làm sao để nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn”, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT nhấn mạnh.

Còn manh mún


Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, cùng với việc đưa ra sản phẩm nông nghiệp, cần định hướng xây dựng các điểm, khu du lịch tại các vùng nông thôn, có như vậy mới có thể đưa du khách tới được. Các địa phương cần sớm nghiên cứu, tham mưu xây dựng các điểm, khu du lịch đảm bảo về cơ sở hạ tầng, đủ tiêu chuẩn phục vụ du khách theo quy định; có các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương mình, sản phẩm đó do chính bàn tay người nông dân bản địa làm ra.

 

Xoài Cam Lâm là một thương hiệu mạnh, có thể gắn với du lịch.

Xoài Cam Lâm là một thương hiệu mạnh, có thể gắn với du lịch.


Theo ông Lê Bá Thuận - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, Ninh Hòa có làng hoa cúc Ninh Giang được Sở NN-PTNT đưa vào nhóm sản phẩm có thể phát triển du lịch, nhưng hoa cúc chỉ được người dân trồng chủ yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán, không có quanh năm nên không phù hợp. Hiện địa phương có thương hiệu gạo Ngọc Quang, dừa xiêm Ninh Đa, đá mỹ nghệ Ninh Giang và một số món ăn truyền thống như: bánh canh, bún cá… mang tính đặc trưng vùng miền. Thị xã sẽ nghiên cứu, đề xuất đưa vào quy hoạch vùng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề.


Với Diên Khánh, việc đưa ngành nghề đúc đồng vào phát triển du lịch theo đề xuất là chưa hợp lý. Vì hoạt động này vẫn còn phân tán, chưa tập trung, chưa đủ quy mô cũng như chưa đáp ứng tốt nhất các đòi hỏi về môi trường, cảnh quan. Với dự án khu bảo tồn văn hóa lúa nước Việt Nam - làng Đại Việt tại xã Diên Thạnh, Diên Khánh khó thực hiện vì chưa huy động được diện tích khoảng 100ha để triển khai. Hiện nay, huyện đang dành khoảng 1ha đất tại khu vực thành cổ, nằm bên bờ sông Cái để xây dựng thành khu ẩm thực đặc trưng phục vụ du khách, chủ yếu là khách tham gia tour khám phá sông Cái.


Tại Khánh Sơn, theo ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện, năm 2017, huyện đã xây dựng Chương trình phát triển du lịch, hiện nay đang từng bước kêu gọi đầu tư, nhất là một số điểm nhấn về du lịch tại Khánh Sơn như: đỉnh đèo, thác Tà Gụ. Huyện có nhiều loại nông sản như: sầu riêng, măng cụt, mía tím, quýt đường… có thể cho hoa, trái quanh năm. Tuy nhiên, giao thông, hạ tầng để phát triển du lịch hiện còn khó khăn, chưa thu hút được du khách tham quan, trải nghiệm.


Theo ông Đào Thanh Tùng - Trưởng phòng Kinh tế TP. Nha Trang, vấn đề hiện nay là làm sao kết nối được sản phẩm du lịch với sản phẩm nông nghiệp thế mạnh. Ngành Du lịch đã có đề án phát triển; ngành Nông nghiệp cũng có đề án phát triển cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, cần tìm được điểm kết nối giữa 2 lĩnh vực này. Tại Nha Trang hiện đã phát triển hàng chục điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm, gắn với nông thôn. Nhưng nhìn chung các điểm này còn nhỏ, chỉ đáp ứng được một bộ phận du khách, chưa thỏa mãn các đoàn khách lớn.


Kết luận buổi làm việc, ông Lê Tấn Bản đề nghị các địa phương cần quan tâm đánh giá thực trạng, tiềm năng, thế mạnh và những khó khăn của địa phương liên quan đến phát triển du lịch vùng nông thôn một cách chi tiết. Ông đề nghị Sở Du lịch cùng với các địa phương nghiên cứu, đề xuất các địa điểm có thể xây dựng thành điểm, khu du lịch, là nơi giới thiệu, quảng bá, kinh doanh sản phẩm nông sản đặc trưng của các địa phương. Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định triển khai.


Hồng Đăng