Bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ; nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ; chuẩn hóa nội dung thuyết trình là những việc làm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên ở Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng (Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh) trong thời gian qua.
Bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ; nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ; chuẩn hóa nội dung thuyết trình là những việc làm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên ở Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng (Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh) trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, đội thuyết minh tại danh thắng Hòn Chồng và di tích Tháp Bà Ponagar hiện có 12 người. Tất cả đều tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khoa học xã hội và ngoại ngữ. Trước tháng 7-2016, nhìn chung, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hướng dẫn đoàn của các thành viên trong đội đều đáp ứng được những yêu cầu của du khách. Tuy nhiên, diễn biến tình hình hoạt động du lịch liên quan đến khách nước ngoài vào thời điểm đó phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực cần khắc phục, trong đó có việc người Trung Quốc làm hướng dẫn viên tại các điểm du lịch văn hóa tâm linh. Chính vì thế, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Văn hóa, cụ thể là Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh phải bố trí đội ngũ thuyết minh viên biết tiếng Nga, tiếng Trung tại các điểm di tích danh thắng do trung tâm quản lý.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo đó, từ nửa cuối năm 2016 đến nay, Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên. Trước hết, để giải quyết vấn đề thiếu hụt về thuyết minh viên biết tiếng Trung, tiếng Nga, lãnh đạo trung tâm đã mời giáo viên có trình độ chuyên môn tốt về trực tiếp giảng dạy các khóa cấp tốc. Qua 3 khóa học, hầu hết các thành viên trong đội thuyết minh đều có thể tự tin giới thiệu với khách Trung, khách Nga những nét chính về 2 điểm du lịch trên. Tháng 5 vừa qua, trung tâm đã cử tất cả thành viên trong đội tham gia khóa học tiếng Trung nâng cao có thời gian 4 tháng để lấy chứng chỉ. “Sau khi khóa học kết thúc, chúng tôi yêu cầu các thành viên trong đội thuyết minh phải đáp ứng được yêu cầu thuyết trình cho khách. Hiện tại, đội thuyết minh của trung tâm có thể hướng dẫn được bằng các ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục trang bị thêm tiếng Hàn Quốc cho đội”, ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các thành viên trong đội cũng thường xuyên được quan tâm, trau dồi. Định kỳ hàng tháng, đội tổ chức họp chuyên đề với những chủ đề khác nhau. “Từ đầu năm đến nay, đội đã cùng nhau thảo luận các nội dung như: vị trí xây dựng tháp Chăm; Ấn Độ giáo; truyền thuyết về các vị thần tiêu biểu của Ấn Độ giáo trong văn hóa Chăm; nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc tháp Chăm… Qua đó, mỗi người tự nâng cao sự hiểu biết của mình để áp dụng vào việc hướng dẫn, thuyết trình cho khách được tốt hơn”, bà Hà Thị Vân - Phụ trách Văn phòng dịch vụ du lịch (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh) cho biết.
Bên cạnh đó, mỗi năm, trung tâm cũng tổ chức các đợt thi sát hạch đối với đội ngũ thuyết minh viên. Trong các đợt sát hạch đó, giám khảo ngoài thành phần lãnh đạo trung tâm còn mời các giảng viên chuyên ngành tham gia đánh giá. Trên cơ sở kết quả sát hạch của từng người, trung tâm có hướng bồi dưỡng cũng như khắc phục những hạn chế. Trung tâm cũng đã xây dựng bài thuyết minh có nội dung thông tin chuẩn về di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng. Dựa vào đó, mỗi thuyết minh viên tùy theo sự sáng tạo của mình để có bài thuyết trình riêng vừa hấp dẫn người nghe vừa chuẩn mực về kiến thức. Ngoài hai điểm di tích, danh thắng thu hút được nhiều du khách, các thành viên trong đội còn thuyết minh bằng tiếng Việt về 14 di tích cấp quốc gia khác trên địa bàn tỉnh khi có khách yêu cầu.
Theo số liệu của Văn phòng dịch vụ du lịch, từ đầu năm đến nay, đội thuyết minh đã phục vụ hơn 300 đoàn với hàng ngàn lượt du khách, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài. Tất cả đều để lại ấn tượng tốt với khách. Đó chính là kết quả của những nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh.
Giang Đình