11:05, 25/05/2018

Lời giải nào cho bài toán nâng cao mức chi tiêu của du khách?

Khánh Hòa là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Thế nhưng, khách đến Nha Trang - Khánh Hòa du lịch, đặc biệt là khách quốc tế có mức chi tiêu không cao so với các tỉnh khác trong khu vực.

Khánh Hòa là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Thế nhưng, khách đến Nha Trang - Khánh Hòa du lịch, đặc biệt là khách quốc tế có mức chi tiêu không cao so với các tỉnh khác trong khu vực.


Chi tiêu của khách chưa cao


Năm 2018, du lịch Khánh Hòa đặt chỉ tiêu: doanh thu 21.600 tỷ đồng, tăng 25%; tổng lượt khách đạt 6,5 triệu lượt, tăng 19,3%, trong đó khách quốc tế đạt 2,8 triệu lượt, tăng 37,9% so với năm 2017. 4 tháng đầu năm 2018, Khánh Hòa đón hơn 959.000 lượt khách quốc tế, chiếm hơn 50% lượng khách du lịch đến với tỉnh. Con số trên cho thấy, khách quốc tế ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu khách du lịch của Khánh Hòa, doanh thu du lịch ngày càng phụ thuộc vào nguồn khách quốc tế. Tuy nhiên, theo điều tra của cơ quan chuyên môn, mức chi tiêu của khách quốc tế đến Khánh Hòa hiện nay không cao, cụ thể đạt 97 USD/khách/ngày, có tăng so với trước, nhưng vẫn còn thấp hơn so với các tỉnh, thành phố mạnh về du lịch ở khu vực miền Trung như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Thuận…

 

Du khách mua sắm tại một trung tâm thương mại.

Du khách mua sắm tại một trung tâm thương mại.


Theo ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, khách đến Khánh Hòa thường có xu hướng ở dài ngày hơn so với khách đến Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam và Lâm Đồng. Vì thế, khi tính mức chi tiêu theo ngày, Khánh Hòa sẽ gặp “bất lợi” dẫn đến mức chi tiêu bình quân một ngày khách sẽ thấp. Bên cạnh thực tế khách quan đó, những người làm du lịch cũng thừa nhận, mức chi tiêu của khách quốc tế đến Khánh Hòa thấp phần lớn do thiếu các trung tâm mua sắm và giải trí, chưa có các mặt hàng lưu niệm độc đáo. Con số thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, khách đến Khánh Hòa chi tiêu mua sắm thấp hơn ở Quảng Nam, Đà Nẵng.


Những ai từng đi du lịch ở Quảng Nam đều nhận thấy ở đó có rất nhiều mặt hàng lưu niệm có sức hấp dẫn du khách như: đèn lồng, túi thêu, đồ mỹ nghệ bằng tre…; đặc biệt, Hội An rất phát triển về dịch vụ may mặc nhanh để phục vụ du khách. Trong khi đó, Khánh Hòa tuy có hẳn một khu “phố Tây” nhưng lại chỉ mạnh về dịch vụ ăn uống, không mạnh về mua sắm hàng hóa, quà lưu niệm. Anh Nguyễn Thanh Vân - hướng dẫn viên du lịch quốc tế cho biết: “Khi đến Hà Nội, tôi có thể giới thiệu rất nhiều quà lưu niệm có hình Tháp Rùa, với Huế có chùa Thiên Mụ, Hội An có chùa Cầu…; còn đến Nha Trang, tôi thật sự không biết giới thiệu quà lưu niệm gì cho du khách nước ngoài”.


Cần đầu tư các dịch vụ giải trí


Mức chi tiêu bình quân một ngày khách là một trong những chỉ tiêu phản ánh khả năng chi tiêu của khách đến từ các nước khác nhau. Để phát huy được hiệu quả kinh doanh của ngành Du lịch, nhiều quốc gia không chỉ khai thác về tăng số lượng khách mà còn tập trung vào các thị trường khách có mức chi tiêu cao, đầu tư các dịch vụ để buộc khách phải chi tiền. Thế nhưng, hiện nay, trên địa bàn Nha Trang chỉ có Nhà hát Dân gian Á Châu và Nhà hát Múa rối nước có biểu diễn nghệ thuật hàng ngày.

 

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, tổng số tiền chi tiêu bình quân một lượt khách quốc tế vào Việt Nam là 1.144 USD, trong đó chi thuê phòng, ăn uống và đi lại tại Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất 67,6%, tiếp đến là chi mua hàng hóa 13,3%, chi tham quan 7,7%, vui chơi giải trí 4,2%, chỉ có 1% dành cho y tế và 6,2% là chi khác.

Tại hội thảo về phát triển du lịch bền vững trong khuôn khổ APEC 2017 tại Nha Trang, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, để tăng mức chi tiêu của khách quốc tế, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, Nha Trang - Khánh Hòa cần có những trung tâm thương mại lớn, các cửa hàng bán sản phẩm cao cấp. Đồng thời, du lịch Khánh Hòa cũng cần có những mặt hàng lưu niệm đặc trưng để giới thiệu với du khách. Thực tế, lãnh đạo UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo ngành Công Thương phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu sản xuất những mặt hàng lưu niệm mang tính biểu tượng của Nha Trang - Khánh Hòa, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều sản phẩm mới. Nên chăng, ngành Du lịch Khánh Hòa tổ chức cuộc thi chọn sản phẩm làm quà lưu niệm đặc trưng của Nha Trang - Khánh Hòa, góp phần chọn ra mặt hàng tốt nhất giới thiệu với du khách nhằm kích thích sự mua sắm.


Bên cạnh đó, để tăng doanh thu từ khách du lịch quốc tế, tỉnh cần tập trung xúc tiến, quảng bá du lịch ở những thị trường có mức chi tiêu bình quân ngày khách cao. “Hiện nay, khách du lịch Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu khách quốc tế đến Khánh Hòa. Tuy nhiên, việc kiểm soát các cửa hàng do người Trung Quốc núp bóng kinh doanh cũng chưa được làm triệt để khiến du lịch bị thất thu”, ông Thành bày tỏ.


Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, hiện nay, sở đang giao cho Phòng Lưu trú điều tra mức chi tiêu của du khách đến Khánh Hòa. Trên cơ sở đó, sở sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trong việc kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, cũng như sẽ tập trung xúc tiến du lịch ở những thị trường khách có mức chi tiêu cao…


THÀNH NGUYỄN